Top

Xây nhà giá rẻ ít lợi nhuận

Cập nhật 21/11/2008 13:00

Đây là một trong những lý do chính khiến các nhà đầu tư địa ốc không mặn mà với nhà giá rẻ, cho dù có thể cứu thị trường khỏi giai đoạn "lạnh". Ngoài ra, những dự án này cũng gặp khó về thủ tục pháp lý.

Theo nhiều doanh nghiệp thì một trong các lý do quan trọng nhất để từ chối đầu tư nhà giá rẻ là không thu được tỷ suất lợi nhuận cao. Đại diện một doanh nghiệp địa ốc cho biết dù thị trường đóng băng nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc rót vốn vào các dự án nhà giá rẻ. Bởi theo ông, có thể làm một phép tính đơn giản như mua một mảnh đất 5.000 m2 với giá 5 triệu đồng mỗi m2, trong khi chi phí giá thành xây dựng tính sơ sơ lên đến 3 triệu đồng. Vậy trung bình nhà đầu tư phải bỏ ra giá gốc 8 triệu cho mỗi m2 đó là chưa kể đến các khoản chi phí vô hình như "lobby", thủ tục pháp lý. "Bán nhà giá rẻ tầm 10-15 triệu mỗi m2 có nghĩa doanh nghiệp không có hoặc lãi rất ít, nên gần như không có doanh nghiệp nào mạo hiểm", vị chủ doanh nghiệp này cho biết.

Thêm vào đó, nhà giá rẻ phải chịu định mức về giá, cơ chế nhưng lại không đạt được mức kỳ vọng của nhà đầu tư. Theo ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát, thông thường, đối với các dự án hấp dẫn, khoảng 7 năm là có thể khấu hao xong. Trong khi đó nhà giá rẻ nếu xét theo hình thức trả góp từ 10 đến 20 năm không biết đến bao giờ mới có thể thu hồi vốn. "Thu hồi vốn chậm, mức kỳ vọng của nhà đầu tư không thỏa mãn cũng là một trong các lý do khiến chủ đầu tư hờ hững với mô hình này", ông Hà nhận định.

Tiến hành dự án nhà giá rẻ cũng có nghĩa nhu cầu của chủ đầu tư và khách hàng đi vào trạng thái xung đột. Khách hàng một mặt muốn mua nhà giá rẻ với chi phí thấp, mặt khác lại muốn chất lượng công trình đảm bảo. Trong khi đó các chủ đầu tư đưa ra lý do "tiền nào của nấy". Theo đại diện một công ty địa ốc thì với một căn hộ giá thành gọi là "rẻ" sẽ không một nhà đầu tư nào muốn mua loạt sắt thép cao cấp, cường độ chịu lực tốt để xây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chất lượng công trình giảm đi. Trong khi đó, chất lượng, hay quy mô của dự án lại gắn liền với thương hiệu của nhà đầu tư nên các doanh nghiệp không muốn mạo hiểm xóa đi thương hiệu bao năm gây dựng. Ngược lại, nếu sử dụng các nguyên vật liệu chất lương cao thì giá thành căn hộ đương nhiên bị đẩy lên, dẫn đến người dân không có khả năng chi trả.

Cũng theo nhiều doanh nghiệp thì chủ trương của Bộ Xây dựng về độ cao của nhà xã hội cho những người có thu nhập thấp không quá 6 tầng là không phù hợp. Bởi khi có mức giới hạn về tầng có nghĩa hiệu suất sử dụng đất không cao. Các nhà chuyên môn cho rằng doanh nghiệp có thể tận dụng tầng 1 để sản xuất kinh doanh song lợi nhuận thu được cũng không đáng là bao bởi nhà giá rẻ không ở vị trí đắc địa mà thường ở ngoại thành hoặc liền kề với các khu công nghiệp. Đã không sản xuất kinh doanh được, không gian lại không thể tận dụng hết khiến nhà đầu tư hờ hững. Trong khi đó, với cùng một giá đất nếu số tầng xây dựng lớn hơn 10, các nhà đầu tư có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Bên cạnh đó, thủ tục hành lang pháp lý phức tạp cũng là một trở ngại lớn đối với nhà đầu tư. Nhà nước kêu gọi tiến hành xây nhà giá rẻ để cứu nguy thị trường địa ốc song lại không có chế độ ưu đãi về thủ tục hành lang pháp lý làm các doanh nghiệp nản lòng. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, Công ty của ông đã phải xin giấy tờ thủ tục pháp lý trong suốt hơn 25 tháng để đầu tư 1.500 căn hộ nhà giá rẻ song hiện nay quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 vẫn chưa được phê duyệt. "Hết làm thủ tục quy hoạch, đến thẩm định phòng cháy chữa cháy rồi duyệt dự án đầu tư cũng khiến nhà đầu tư chóng mặt", ông Đực than. Theo ông Đực, trong tình hình doanh nghiệp đang khó khăn, các thủ tục pháp lý phức tạp chưa được tháo gỡ sẽ rất khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào mảng phân khúc này.

DiaOcOnline.vn - Theo Đô Thị