Top

Xây dựng nhà ở: Chính quyền không quản lý nội thất

Cập nhật 24/02/2009 08:50

Phường chờ quận, quận chờ thành phố ra văn bản hướng dẫn cụ thể.

Như Báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tại hội thảo “Nhà sai phép – Nguyên nhân và giải pháp” do Báo tổ chức sáng 20-2, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên và Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Quách Hồng Tuyến đều khẳng định cách xử lý lâu nay của một số nơi là vi phạm pháp luật. Thay vì chỉ cần làm y theo các nội dung cơ bản ghi trong giấy phép xây dựng, người dân bị buộc phải làm giống từng chi tiết của bản vẽ thiết kế và hễ sai chi tiết nào thì đều bị xem là sai phép và bị xử phạt. Đến nay, các quận, huyện đã có sự điều chỉnh cần thiết để đỡ hành dân?

Phường chờ quận, quận chờ TP


“Quận chúng tôi hoàn toàn tán thành các quan điểm xử lý hợp lẽ nêu trên. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể triển khai đến các thanh tra viên và các phường vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể!” - ông Trần Văn Hưởng - Chánh thanh tra xây dựng quận 10 cho biết như trên.

Ông Trần Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường 8, quận Tân Bình, cũng có y kiến tương tự: “Qua Báo Pháp Luật TP.HCM, tôi được biết Chánh thanh tra Bộ Xây dựng đã có cách “gút” rất phù hợp với thực tế quản lý xây dựng. Nhưng theo đúng nguyên tắc hành chính, chúng tôi buộc phải chờ chỉ đạo cụ thể từ phía UBND quận về các nội dung kiểm tra xây dựng sai phép”. Cũng theo ông Tâm, việc thực hiện số phần trăm diện tích thông thoáng trong mỗi căn nhà còn là một vướng mắc lớn. Giấy phép xây dựng buộc phải chừa 10% nhưng thực tế chủ nhà thường chỉ chừa 7%-8%. Trước giờ, phường cũng du di nhưng sắp tới, phường rất mong có những hướng dẫn chi tiết trường hợp nào phải điều chỉnh giấy phép xây dựng, trường hợp nào buộc phải tháo dỡ công trình. Hơn nữa, chính quyền cần quy định chặt chẽ về màu sắc của công trình cho phù hợp với cảnh quan kiến trúc của đường phố từng khu vực.

Tại UBND phường 8, quận 10, ông Nguyễn Hữu Thanh - Chủ tịch phường cũng băn khoăn vì đến giờ chưa nhận được chỉ đạo gì của cấp trên. Lâu nay phường này không xử lý những trường hợp thực hiện sai các chi tiết nhỏ. “Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn triển khai việc kiểm tra xây dựng như cũ chứ chưa có thêm nội dung gì mới!”. Ông Thanh đánh giá: “Hội thảo đã đưa ra hướng xử lý thật đúng đắn, tức nhà nước chỉ kiểm tra các nội dung như diện tích, quy hoạch, chỉ giới xây dựng, tầng cao và dành cho người dân quyền quyết định về nội thất”.

Tiếp tục làm như cũ


Ngược lại, Thanh tra xây dựng quận 12 vẫn tiếp tục “canh cửa” rất chặt đối với tất cả vi phạm xây dựng của người dân. Hễ công trình có vi phạm là thanh tra yêu cầu người dân đi điều chỉnh giấy phép ngay. Ông Lê Tấn Tài - Chánh thanh tra xây dựng quận 12 nêu rõ chính kiến: “Đồng ý là tới đây, những thay đổi về vị trí bếp, cầu thang, nhà vệ sinh... không bị xem là vi phạm và không bị phạt. Nhưng do chưa có văn bản cụ thể nên chúng tôi vẫn làm như cũ”.

Theo ông Trần Văn Hưởng, Chánh thanh tra xây dựng quận 10, không riêng gì ông mà cả TP.HCM và các tỉnh khác cũng lúng túng khi áp dụng Luật Xây dựng. Bởi lẽ theo Điều 121 của luật này thì dù vi phạm nhỏ cũng phải xử lý. Ông lưu ý: “Những ý kiến tại hội thảo chỉ có tính chất tham khảo chứ không có hiệu lực trong thực tế. Có thể tôi hiểu, một số thanh tra viên của quận cũng hiểu nhưng chắc gì hết thảy thanh tra viên đều hiểu, nhất là đối với các thanh tra xây dựng ở phường vốn có trình độ không đồng đều. Nhưng nếu chúng tôi muốn thống nhất triển khai cho phường và các thanh tra viên thì biết dựa trên cơ sở nào?”.

Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM:

Sẽ ra văn bản thống nhất hướng xử lý

“Luật không vướng, chỉ là trước nay có một số quận, huyện hiểu chưa đúng luật nên mới có việc xử phạt đối với những điều chỉnh thiết kế bên trong căn nhà” - ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, tái khẳng định như thế với PV Báo Pháp Luật TP.HCM. Ông Tuyến giải thích:

“Khi cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền chỉ xem xét các nội dung được luật định, gồm có: Mật độ xây dựng, khoảng lùi, chiều cao, chỉ giới địa điểm, vị trí, loại, cấp công trình, cốt xây dựng, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, bảo vệ môi trường và an toàn công trình... Còn bố trí nội thất ra sao thì tùy thuộc ý chí của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, cơ quan cấp phép không xem xét đến. Thậm chí, nếu bản vẽ các mặt bằng của công trình để trống trơn phần sàn cũng được, không ai bắt phải bố trí phòng ngủ chỗ này, cầu thang chỗ kia. Ngoài ra, Quyết định 04 năm 2006 của UBND TP.HCM về cấp phép xây dựng cũng đã quy định những trường hợp không cần phải xin phép xây dựng là “các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình” (điểm e khoản 1 Điều 5). Chiếu theo đó, người dân không cần phải điều chỉnh giấy phép xây dựng khi muốn thay đổi nội thất bên trong.

Do vấn đề đã rõ, nên chắc chắn Sở Xây dựng sẽ có văn bản thống nhất việc này với các đơn vị thanh tra xây dựng và bộ phận cấp chủ quyền nhà. Đồng thời, các cơ quan cấp giấy phép xây dựng cũng không được đòi hỏi người dân phải vẽ chi li từng cái phòng hay từng cái cầu thang mới đồng ý cấp phép”.


Ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng:

Chỉ xem xét theo năm chỉ tiêu của giấy phép xây dựng

Khi kiểm tra công trình xây dựng, thanh tra chỉ cần kiểm tra những hạng mục cụ thể: chiều cao, số tầng, diện tích, mật độ xây dựng, khoảng lùi của công trình. Những chi tiết nhỏ như nội thất, phòng ốc... bên trong thì không cần phải xét nét. Khi xử phạt sai phép chỉ nên dựa trên năm chỉ tiêu của giấy phép xây dựng.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP