Ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng không gian ngầm đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng về giao thông vận tải, dịch vụ... Trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng các công trình ngầm cho mục đích quốc phòng.
Chưa tạo được động lực
Với tốc độ gia tăng dân số, gia tăng tiến trình đô thị hóa như hiện nay, về cơ bản TP Hồ Chí Minh đã sử dụng hết quỹ đất bề mặt, nếu tiếp tục mở mang đô thị thì diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, chi phí giao thông cao, ô nhiễm càng trầm trọng...
Bài toán xây dựng các công trình đô thị ngầm theo kinh nghiệm các quốc gia phát triển đang được chính quyền thành phố xem xét, triển khai ở một số hạng mục như: hệ thống thoát nước lớn, bãi đỗ xe, tàu điện ngầm.
Theo quy hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 4 tuyến tàu điện ngầm. Cũng sẽ có 8 dự án bãi đậu ngầm đã quy hoạch là: Công trường Lam Sơn, Công viên Chi Lăng, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Bách Tùng Diệp, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn, đại lộ Nguyễn Huệ, bãi đỗ xe 116 Nguyễn Du.
Trong số những công trình ngầm đó mới có rất ít dự án được triển khai. Đó là, dự án metro Bến Thành-Suối Tiên bắt đầu khởi động (tháng 2-2008) và đang trong giai đoạn thiết kế khả thi. Dự án đường hầm Thủ Thiêm đang triển khai rầm rộ thì “bị vấp” do một số đốt hầm bị nứt, và một số vấn đề về địa chất do chúng ta không có bản đồ địa chất .
Đối với 8 dự án bãi đậu xe ngầm đã được TP Hồ Chí Minh quy hoạch và kêu gọi đầu tư từ năm 2004, nhưng đến nay mới chỉ có dự án bãi đậu tại công viên Lê Văn Tám đã xong bước nghiên cứu khả thi. Dự án BOT bãi đậu xe ngầm Lê Văn Tám bao gồm 3 tầng ngầm dưới công viên Lê Văn Tám với diện tích khoảng 8,58 ha, trong đó 5,9 ha dùng làm chỗ đậu xe, còn lại là các dịch vụ thương mại hoặc công cộng khác phục vụ cho việc đậu xe.
Tổng số chỗ đậu xe của bãi là 2.705 chỗ, trong đó 1.255 chỗ cho xe ô tô các loại và 1.450 chỗ cho xe 2 bánh. Tổng vốn đầu tư của công trình ước khoảng 650 - 700 tỷ đồng. Dự án hầm chứa xe và dịch vụ công cộng công trường Lam Sơn do Công ty Đông Dương làm chủ đầu tư với quy mô 10 tầng ngầm, trong đó 3 tầng làm dịch vụ công cộng, còn lại làm nơi đậu xe.
Tổng kinh phí đầu tư công trình hơn 114 tỷ đồng. Nhà đầu tư đeo đuổi trong 4 năm, chi phí hàng triệu USD cho khảo sát, nhưng cuối cùng vào giữa năm 2008, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh không cho triển khai, chấp nhận đền bù thiệt hại vì không lường trước được những nguy cơ có thể xảy ra đối với các công trình kiến trúc xung quanh khi triển khai dự án.
Phải gắn với xã hội
Tại cuộc hội thảo khoa học về công trình ngầm ngày 22-10, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước đã giới thiệu kinh nghiệm từ các nước. Tuy nhiên, các nhà khoa học than phiền: ở nước ta muốn phát triển không gian ngầm lại thiếu quy hoạch không gian ngầm; đặc biệt, thiếu hành lang pháp lý cho từng nhóm công trình ngầm.
Điều này đã làm các nhà đầu tư lúng túng khi triển khai dự án (trường hợp bãi đậu xe ở Công trường Lam Sơn là ví dụ). Các chuyên gia cho rằng, nên kết hợp công trình ngầm với không gian công cộng (nhà hàng, TT thương mại ...) để khai thác hết công năng của nó.
Bài học ở mấy đường hầm đi bộ tại Thủ đô Hà Nội cho thấy, nếu không kết hợp các dịch vụ xã hội khác thì đường ngầm không thu hút người đi, công trình bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Tiến trình phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh đang rất cần các dự án hạ tầng xây dựng ngầm để giao thông không ùn tắc, thành phố phát triển bền vững, giảm ô nhiễm. Bản đồ giao thông TP Hồ Chí Minh hiện có 1.200 giao lộ, trong đó có 320 giao lộ quan trọng.
Dự kiến tới đây sẽ có 4 nút giao thông quan trọng thường gây ùn tắc sẽ được xây dựng đường ngầm. Đó là nút Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lý Chính Thắng, Điện Biên Phủ-Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai-Cách Mạng Tháng Tám, Quảng trường Dân Chủ. Kinh nghiệm từ Hà Nội chắc chắn sẽ được chính quyền thành phố bổ khuyết tại các công trình sắp triển khai.
>Không gian ngầm tại các đô thị: “Mỏ vàng” chưa được khai thác
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: