Top

"Xanh - bền vững" nên khó tăng trưởng?

Cập nhật 17/12/2018 13:43

Tỉnh Thừa Thiên - Huế phải xin trung ương hỗ trợ mỗi năm khoảng 2.500 tỉ đồng mới đủ bù chi; du lịch, dịch vụ được xác định là thế mạnh nhưng còn yếu và thiếu doanh nghiệp lớn.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vì sao chưa có sự bứt phá mạnh về kinh tế? Đó là câu hỏi được đặt ra nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri. Mới đây, câu hỏi đó lại được cử tri Trần Thanh Lâm ở phường Thủy Biều, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) đặt ra đối với ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây.

Tăng trưởng chưa bền vững

Ông Lâm nói rất ghi nhận những nỗ lực của lãnh đạo địa phương trong việc xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế nhưng so với nhiều địa phương khác ở khu vực miền Trung thì Thừa Thiên - Huế chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, nguồn thu ngân sách còn thấp.

Du khách tới TP Huế chủ yếu để tham quan các di sản, thời gian lưu trú không dài

"Tôi cũng đi nhiều. Nhìn những dự án, công trình của một số địa phương bạn cho thấy sự thu hút đầu tư khá mạnh. Còn chúng ta thì sự thay đổi chưa mạnh" - ông Lâm nhấn mạnh. Trả lời, ông Lê Trường Lưu thừa nhận thu ngân sách của tỉnh vẫn thấp (năm 2018 chỉ được 7.236 tỉ đồng - PV), phải xin trung ương hỗ trợ khoảng 2.500 tỉ đồng/năm mới đủ bù chi. Thu hút đầu tư phải theo định hướng "xanh - bền vững" nên thận trọng thu hút các dự án, tránh gây ô nhiễm.

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho thấy năm 2018, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của địa phương này ước đạt 7,15% (thấp hơn so kế hoạch là 7,5%-8%). Nguyên nhân được chỉ ra là do kinh tế phụ thuộc rất lớn vào một số sản phẩm chủ lực như bia, điện, xi-măng, dệt may nhưng ngành sản xuất điện công suất chỉ đạt 70%-75% kế hoạch. Lĩnh vực dịch vụ mặc dù chiếm tỉ trọng lớn nhưng tăng trưởng thấp, dẫn đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm không đạt kế hoạch. Việc thu hút các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Theo đánh giá của HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngành du lịch của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do số ngày khách lưu trú bình quân không tăng và vẫn còn thấp; một số thủ tục như thẩm định hồ sơ thiết kế, cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư phải qua nhiều cửa, thời gian còn dài... Qua 3 năm (2016-2018) triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có 5 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế khó đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, GRDP 3 năm liền không đạt, cho thấy chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chưa có sự bứt phá; tỉ trọng ngành nông nghiệp vẫn ở mức cao; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt thấp.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng du lịch, dịch vụ được xác định là thế mạnh của tỉnh nhưng vẫn còn yếu và thiếu doanh nghiệp lớn; chất liệu nhiều nhưng sản phẩm ít, phụ thuộc di sản là chủ yếu. Tỉnh rất nỗ lực xúc tiến, quảng bá và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng tất cả những yếu tố đó chưa quyết định được việc thu hút dự án về địa phương.

Tập trung thế mạnh du lịch

Theo ông Phan Thiên Định, Thừa Thiên - Huế xác định hướng đi trong phát triển kinh tế là "xanh - bền vững" nên rất khó tăng trưởng nhanh như một số địa phương khác, khó thu hút mạnh mẽ các ngành công nghiệp nặng. Chính vì định hướng đó nên địa phương rất nhiều lần phải từ chối các nhà đầu tư muốn triển khai dự án công nghiệp nặng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, tại vị trí khu du lịch Laguna Lăng Cô (huyện Phú Lộc) bây giờ, trước đây một nhà đầu tư xin xây nhà máy nhiệt điện đã bị từ chối. Tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cũng từng khước từ một dự án nhà máy cán thép quy mô lớn. "Nếu đồng ý các dự án như thế thì chắc chắn nguồn thu tăng, kéo theo cả chuỗi phát triển đi cùng. Trong bối cảnh khó khăn nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, cần phải tìm kiếm cơ hội như vậy nhưng chúng tôi không mạo hiểm" - ông Định nói thêm.

Ngược lại, theo ông Định, chính sự giữ gìn môi trường đã làm cho Thừa Thiên - Huế bộc lộ những lợi thế thu hút nhà đầu tư theo hướng "xanh - bền vững" tìm đến địa phương này. "Nếu chúng ta cân đối, phát triển và tồn tại được theo xu hướng đó thì dần dần sẽ từ chối mạnh mẽ dòng đầu tư công nghiệp nặng. Phát triển du lịch, dịch vụ thì người dân hưởng lợi nhiều hơn" - ông Định nói. Trong năm 2019, tỉnh sẽ tạo quỹ đất vàng ở TP Huế và ven biển để phát triển kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó sẽ nâng cao mức chi tiêu, chất lượng các ngành dịch vụ; kêu gọi đầu tư bệnh viện quốc tế kỹ thuật cao và đưa vào kết nối chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung.

"Chúng tôi sẽ rà soát quy hoạch phát triển rõ nét hơn. Đặc biệt sẽ siết chặt kỷ cương hành chính nhằm thay đổi mạnh mẽ tinh thần phục vụ đội ngũ công chức, viên chức" - ông Định nói thêm.

Gom trụ sở, tạo quỹ đất

Ông Phan Thiên Định cho biết tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đẩy nhanh xây dựng khu tập trung hành chính công để di dời các công sở ở đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Quý Đôn... nhằm tạo quỹ đất thu hút đầu tư du lịch, dịch vụ.

"Đầu tiên, chúng tôi muốn tạo những vị trí thuận lợi nhất nhằm thu hút các nhà đầu tư tên tuổi. Nguồn thu từ đó không nhiều nhưng họ đến thì sẽ tự quảng bá cho mình ra thế giới, qua đó thu hút khách. Chúng tôi sẽ đưa ra các ưu đãi và kèm theo các chiến lược, quy định từng vị trí đất phải làm gì, tổng mức đầu tư tối thiểu bao nhiêu, ai được phép đầu tư vào đó. Như vậy, nhà đầu tư phải đáp ứng về vốn, năng lực cũng như các yêu cầu khác mới được đầu tư, tất cả phải được công khai" - ông Định nói thêm.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ