Top

Vốn FDI vào BĐS dân dụng vẫn khiêm tốn

Cập nhật 12/07/2016 11:03

Tuy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt qua từng năm, song vốn FDI vào thị trường BĐS dân dụng (nhà ở, văn phòng…) vẫn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, dù BĐS luôn thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu CBRE, cho biết trong quý II-2016, Việt Nam tiếp tục nhận một lượng lớn nguồn vốn FDI cho những dự án mới được cấp phép và những dự án được tăng vốn. Trong 6 tháng đầu năm, lượng vốn FDI đăng ký lên đến 11,3 tỷ USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lĩnh vực BĐS chỉ chiếm 5%. Có vài ý kiến cho rằng vốn FDI vào BĐS chưa tương xứng, song CBRE cho rằng cần nhìn vào vốn thực thi và giải ngân hơn là vốn cam kết. Vào những năm 2007-2008 vốn cam kết lên tới 25%, nhưng giải ngân sau đó vẫn rất nhỏ. 

Trong năm 2016 sẽ không có biến động nào đáng kể đối với thị trường BĐS và cũng không có kỳ vọng có sự khởi sắc mạnh mẽ. Tuy nhiên, với những nỗ lực thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho người có thu nhập trung bình và thấp, tôi cho rằng từ nay đến cuối năm 2016 và sang 2017 phân khúc thị trường này sẽ khởi sắc hơn.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
 

Một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cũng cho rằng quan trọng là những dự án FDI đó có mang tính khả thi, tính thực tiễn và bền vững hay không, chứ không chỉ là con số. Các thương vụ BĐS có yếu tố nước ngoài hiện đã thực tế hơn nhiều so với trước đây. Hàng loạt thương vụ FDI vào thị trường đang theo nhu cầu thực tế của người sử dụng hay người mua nhà. Gần đây, nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản đã gia tăng sự tham gia vào mảng phát triển thị trường nhà ở. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài trước đây phần lớn tập trung vào phân khúc hạng sang và cao cấp, nhưng hiện nay các nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia vào phân khúc trung cấp và bình dân chất lượng cao. Chẳng hạn như các dự án của Tập đoàn Nam Long đã có sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản như Flora Anh Đào hay Fuji…

Trong quá trình tư vấn tại CBRE, bà Dung cho biết trước đây nhà đầu tư nước ngoài có thể chỉ cần từ 3-6 tháng để xem xét kế hoạch đầu tư, tuy nhiên hiện nay có những nhà đầu tư đến từ Trung Đông, Hoa Kỳ có thời gian xem xét đến nửa năm, 1 năm nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, điều này cho thấy các quyết định đầu tư của họ sẽ có chất lượng hơn. Với các cam kết WTO, việc tham gia vào FTA, hiệp định thương mại EU và việc ký kết TPP, gia nhập ACE… nhiều rào cản gia nhập thị trường sẽ giảm thiểu và nhiều loại thuế sẽ được dỡ bỏ, hàng loạt điều khoản vốn được xem là rào cản trước đây về thủ tục, hồ sơ cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như những nhà đầu tư BĐS ngoại quốc sẽ trở nên thông thoáng hơn rất nhiều. Thị trường BĐS sẽ có những chuyển biến tốt.

Đối với thị trường nhà ở, cùng với việc luật cho phép người nước ngoài mua nhà, một sự tăng tốc về nhu cầu nhà ở và đầu tư sẽ gia tăng. Còn đối với thị trường thương mại, thị trường văn phòng và bán lẻ sẽ có sự chuyển biến rõ rệt nhờ số lượng các nhà bán lẻ vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng và nhu cầu mở rộng/thuê thêm văn phòng cũng sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, phân khúc khách sạn và căn hộ dịch vụ cũng có triển vọng tốt nhờ số lượng chuyên gia tới Việt Nam làm việc và công tác theo đó cũng gia tăng. Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng thị trường BĐS nghỉ dưỡng cũng là một phân khúc có tính cạnh tranh cao tại Việt Nam nói riêng và các nước khác nói chung hiện nay.
 


Giao dịch trên thị trường nhìn chung có dấu hiệu chững lại. Ảnh: LONG THANH

Những phân khúc tích hợp nhiều tính năng như nhà ở kết hợp với kinh doanh, nghỉ dưỡng, cho thuê hay vừa làm phòng căn hộ dịch vụ vừa có thể cho thuê thành phòng khách sạn... sẽ là xu hướng nổi bật trong thời gian tới. Nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến giá trị gia tăng của BĐS mà còn cả nguồn thu nhập từ hoạt động cho thuê và các khả năng kinh doanh khai thác khác. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Savills đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi với các nhà đầu tư từ Singapore, Đài Loan hay Hồng Công và thấy rằng rất nhiều nhà đầu tư đều rất quan tâm đến thị trường BĐS tại Việt Nam và đánh giá thị trường nước ta hiện đang rất cạnh tranh so với các điểm đầu tư khác trong khu vực.

Theo bà Dương Thùy Dung, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ duy trì tích cực với mức độ cẩn trọng trong nửa cuối năm 2016 với các dự án mới hoặc tái khởi động sẽ được tiếp tục mở bán ra trên thị trường. Tuy nhiên tốc độ có thể chỉ ở mức ngang bằng năm 2015. Nhu cầu mua để ở và mua để đầu tư, cho thuê sẽ lại dẫn dắt thị trường. Đặc biệt tại TPHCM, khi các chủ đầu tư có kế hoạch chào bán các dự án mới sẽ thổi làn gió mới vào thị trường trong quý III, quý IV-2016. Ngoài các nhà đầu tư nước ngoài truyền thống đến từ Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, BĐS Việt Nam còn nhận được sự quan tâm từ các nhà đâu tư cá nhân đến từ Nga, Trung Quốc đại lục, Hồng Công, thậm chí là Saudi Arabia, Hoa Kỳ…

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư