Theo Cushman & Wakefield, tính cả năm 2015, luồng vốn trên toàn cầu đổ vào thị trường địa ốc đạt 443 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi thông tin về lượng vốn đầu tư được ghi nhận năm 2009.
Nhiều nhà đầu tư đang “nhòm ngó” bất động sản Việt Nam. ảnh: Lê Toàn
|
Châu Á nổi bật
Báo cáo vừa công bố mang tên “Great Wall of Money” của Cushman & Wakefield ghi nhận giá trị của dòng vốn mới đổ vào lĩnh vực bất động sản trên phạm vi toàn cầu cho thấy, các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại mọi thị trường trên thế giới.
Theo Cushman & Wakefield, sự tăng trưởng của vốn hiện có được ghi nhận trên cả 3 khu vực, trong đó châu Á đang dẫn đầu với 131 tỷ USD, tăng 8%, nhờ vào việc một số quỹ đã hoàn thành mục tiêu đầu tư trong năm 2015.
Ông Nigel Almond, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường vốn, Cushman & Wakefield cho biết: "Vốn đầu tư xuyên quốc gia sẽ tiếp tục chuyển đổi thị trường bất động sản trên toàn cầu. Đáng chú ý, hơn 40% số vốn đang nhắm vào châu Á - Thái Bình Dương và đến từ bên ngoài các khu vực này, đa số đến từ khu vực Bắc Mỹ”.
Còn theo ông Carlo Barel di Sant’Albano, Giám đốc điều hành bộ phận Đầu tư thị trường vốn và kinh doanh dịch vụ đầu tư, Cushman & Wakefield, khi TTCK toàn cầu đối mặt với sự bất ổn định ngày càng tăng, các yếu tố như “nới lỏng định lượng và “lãi suất thấp hơn khi kéo dài lâu hơn” sẽ duy trì sự hấp dẫn tương đối của lĩnh vực bất động sản thương mại, giúp duy trì dòng vốn đổ liên tục vào bất động sản và các quỹ liên quan.
Trước đó, ngày 11/3, CBRE cũng công bố báo cáo cho biết, năm 2015, đầu tư ra nước ngoài của toàn châu Á trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục có một năm ấn tượng, đạt mức 62,4 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó.
Ông Marc Giuffrida, Giám đốc điều hành Thị trường Đầu tư toàn cầu, CBRE nhận định, điểm nổi bật nhất trong năm qua có lẽ là sự gia tăng đột biến các hợp đồng giao dịch lớn. Lượng vốn đầu tư ra nước ngoài từ châu Á với các giao dịch trị giá trên 500 triệu USD tăng hơn gấp đôi. “Thị trường văn phòng vẫn là phân khúc được quan tâm nhất, nhưng thị trường khách sạn và bất động sản công nghiệp cũng được các nhà đầu tư châu Á quan tâm săn đón. Bất động sản công nghiệp ghi nhận sự gia tăng hoạt động đáng kể, chủ yếu từ hai giao dịch lớn tại Mỹ do đồng đô la mạnh lên dẫn đến gia tăng chi tiêu vào hàng hóa nhập khẩu và sự tăng trưởng không ngừng của thương mại điện tử, dẫn đến nhu cầu về không gian kho bãi”, ông Marc Giuffrida nhận định.
Cơ hội của bất động sản Việt Nam
“Gu” đầu tư của các nhà đầu tư châu Á có thể là tham khảo thú vị với các nhà phát triển bất động sản Việt Nam. Bởi trên thực tế, nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… vào thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng với nhiều thương vụ lớn vừa diễn ra, mà mới nhất là thương vụ CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt ký hợp tác ba bên với CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia cùng Quỹ đầu tư Creed Group Nhật Bản hợp tác đầu tư Dự án River City tại quận 7 có quy mô gần 8.000 căn hộ trên diện tích đất 11,25 héc-ta. Trong đó, phần vốn góp của đối tác Nhật Bản là 125 triệu USD.
Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield chia sẻ: “Tại Việt Nam, thị trường vẫn đang hấp dẫn các tổ chức đầu tư nước ngoài và nhu cầu đầu tư này sẽ tiếp tục trong năm 2016. Số lượng các thương vụ M&A đã tăng lên rõ rệt vào năm 2015, tăng khoảng 20% so với năm 2014, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam”.
Ông Alex Crane cho rằng, thị trường đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết giữa các công ty trong nước và các tập đoàn nước ngoài trong việc sở hữu các dự án và các khoản đầu tư tốt nhất. Một trong những thách thức lớn cho các nhà đầu tư và các nhà phát triển bất động sản nước ngoài, dù cho vốn của họ có lớn đến đâu đi chăng nữa, chính là việc tiếp cận quỹ đất, vì các quỹ đất lớn thường được sở hữu bởi công ty Việt Nam.
“Do đó, chúng tôi hy vọng xu hướng liên doanh với các công ty trong nước trong thời gian tới sẽ được tiếp tục để nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận quỹ đất này để phát triển dự án”, ông Alex Crane dự báo.
Nói về các thách thức, dù dự báo tỷ lệ vốn FDI vào bất động sản sẽ chiếm tới 30 - 40% tổng vốn FDI đăng ký trong năm 2016, nhưng GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, còn khá nhiều rào cản với dòng vốn này. Điển hình là những lo lắng của nhà đầu tư về cơ chế đem tiền lợi nhuận do đầu tư thành công ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thế chấp bất động sản tại Việt Nam vào ngân hàng nước ngoài để huy động vốn đầu tư dài hạn cũng chưa thực sự thuận lợi.
“Nếu giải quyết tốt những vấn đề này, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản trong nước sẽ tăng lên nhanh chóng”, ông Võ nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: