Top

Thị trường bất động sản:

Không hoàn toàn ảm đạm

Cập nhật 29/07/2011 10:30

Các phân khúc văn phòng, căn hộ dịch vụ, mặt bằng bán lẻ đều được ghi nhận có sự tăng trưởng về nguồn cung, công suất và giá thuê tương đối ổn định. Thị trường bất động sản (BĐS) vẫn có điểm sáng, không hoàn toàn ảm đạm.

Phân khúc văn phòng: Công suất thuê vẫn tốt


Quận Hoàn Kiếm vẫn có công suất văn phòng cho thuê khá cao. Ảnh: Trung Kiên

Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, mặc dù thị trường BĐS nói chung có giảm, song phân khúc văn phòng cho thuê tại Hà Nội vẫn đạt công suất ở mức 86,4%, trong đó văn phòng hạng A tăng 2% so với quý trước, đạt mức 86,7%. Nhóm văn phòng để bán có giá chào các hạng duy trì ổn định so với quý trước, từ 1.000 USD đến 2.500 USD/m2, trong thời hạn 32-49 năm. Diện tích văn phòng cho thuê thêm khoảng 23.000m2 trong quý II-2011, tăng 21% so với quý I-2011. Hạng B có diện tích cho thuê tăng thêm lớn nhất, chiếm 63% tổng diện tích thuê thêm. Khu vực phía Tây (gồm quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm) chiếm 60% tổng diện cho thuê thêm của toàn thị trường, tăng 50% so với quý trước.

Hiện tổng nguồn cung phân khúc văn phòng đạt hơn 820.000m2, tăng 8% so với quý trước và 29% so với cùng kỳ năm trước. Các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy là nơi có nguồn cung chính của thị trường, chiếm 47% tổng nguồn cung. Savills Việt Nam dự báo, 3 năm tới khoảng 1,1 triệu mét vuông văn phòng cho thuê từ 90 dự án sẽ gia nhập thị trường. Trong đó, đến hết năm 2011, có 7 dự án quy mô lớn hơn 10.000m2, cung cấp cho thị trường 204.000m2 văn phòng cho thuê.

Căn hộ dịch vụ: Có tăng, có giảm


Theo ghi nhận của Savills, công suất cho thuê căn hộ hạng A giảm 6%, trong khi đó hạng B tăng 1%, hạng C tăng 2,7% so với quý I-2011. Giá thuê trung bình hạng A tăng 2%, tuy nhiên hạng B giảm 6%, một phần là do giá thuê trung bình của một số dự án tại quận Ba Đình giảm. Giá thuê trung bình của hạng C không thay đổi.

Toàn thị trường hiện có 2.500 căn hộ dịch vụ từ 43 tòa nhà, trong đó có 1 dự án mới. Công suất trung bình của toàn thị trường giảm còn 87%, song nếu không tính dự án mới (chiếm 9% số căn hộ), công suất lại tăng lên 91%. Tương tự, giá giảm nhẹ khi có thêm dự án mới, nhưng tăng nhẹ nếu không tính dự án này.

Về nguồn cầu, với số lượng dự án FDI tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm nay tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng các chuyên gia nước ngoài và lao động có trình độ cao tới thành phố làm việc cũng sẽ tăng, từ đó có thể tăng nhu cầu về căn hộ dịch vụ. Trong tương lai, Hà Nội sẽ có khoảng 30 dự án căn hộ dịch vụ được đưa vào thị trường, trong đó khu vực phía Tây trở thành nơi có nguồn cung lớn nhất.

Mặt bằng bán lẻ: Công suất thuê giảm, giá cạnh tranh

Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ (trung tâm thương mại, siêu thị…) tại Hà Nội đạt khoảng 464.000m2, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2010, chủ yếu là việc hình thành các trung tâm mua sắm và các khối đế của các tòa nhà cao tầng. Nhìn chung, công suất thuê toàn thị trường giảm, trong khi giá thuê khá cạnh tranh.

Tuy nhiên, khu vực trung tâm thành phố, công suất thuê luôn đạt 100% và giá thuê tăng khoảng 20% so với thời điểm quý I-2011. Hình thức cho thuê dài hạn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, giá chào sơ cấp diện tích bán lẻ tại các trung tâm 1.500-5.400 USD/m2 cho thời hạn thuê 30-50 năm. Trong 4 năm tới, sẽ có khoảng 1,6 triệu mét vuông mặt bằng bán lẻ từ 87 dự án sẽ đi vào hoạt động. Khu vực phát triển mạnh là Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Từ Liêm, Hà Đông chiếm khoảng 75% tổng nguồn cung cho đến năm 2014. Về nguồn cầu, 70 nhà bán lẻ trong nước và quốc tế đã mở rộng số lượng cửa hàng tại các trung tâm thương mại. Như vậy, có thể thấy thị trường BĐS vẫn phát triển chứ không hoàn toàn ảm đạm.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới