Trong các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, việc ứng xử thế nào với chung cư cũ không hề dễ dàng. Tới nay, nhiều chung cư cũ đã được dỡ bỏ, xây mới nhưng cũng còn rất nhiều chung cư cũ “bỏ thì thương, vương thì tội”, lay lắt từ năm này sang năm khác.
Một chung cư cũ ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng thời điểm trước khi cải tạo mới.
|
Hoài nghi lợi ích
Tại Hà Nội, nhiều cư dân chung cư cũ được vận động di dời, tuy đã chấp thuận nhưng sau nghĩ lại, lại thôi. Thế là những căn nhà cũ kĩ, xuống cấp, điều kiện sinh hoạt không bảo đảm vẫn cứ tồn tại. Vì sao?
Đanh giá của cơ quan chức năng, hiện Hà Nội vẫn tồn tại chung cư cũ thuộc nhóm D (cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ lúc nào).
Sở Xây dựng cũng đã từng không ít lần có Tờ trình UBND thành phố về việc tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sử dụng, sở hữu tại đây để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân.
Nhìn chung, các căn chung cư cũ đều đã có tuổi đời ít nhất là 35 năm. Quá trình sử dụng, hầu hết các hộ đều cải tạo, chất tải thêm cho công trình.
Nhiều hộ còn đua dầm thép, cơi nới làm thành “chuồng cọp”. Chung cư như người già, gánh nặng đè lên vai, từ đó mà lún nứt, khiến cho các đơn nguyên tách rời nhau tạo nên tình thế nguy hiểm.
Thành phố muốn cải tạo, người ở chung cư cũ cũng muốn ở trong những căn hộ tiện nghi, nhưng vẫn không chịu di dời, kể cả việc cải tạo xong thì lại được ở chỗ cũ.
Điều các hộ dân băn khoăn nhất chính là chính sách tạm cư, tái định cư, mức đền bù hệ số diện tích quy đổi giữa nhà cũ và nhà mới. Người ta cũng băn khoăn thời gian tạm cư bao lâu, bao giờ mới được quay về?
Tại một Diễn đàn bất động sản thường niên, đại diện ngành xây dựng Hà Nội cho biết, dân số thực tế đang sống trong các chung cư cũ đã vượt quá 2 lần so với dân số quy hoạch lúc đầu.
Điều này càng khiến cho việc áp dụng các chính sách di dời để cải tạo, xây mới thêm khó khăn, vì thật khó hài hòa được lợi ích giữa người dân với doanh nghiệp.
Nói như GS Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì vấn đề chính trong câu chuyện cải tạo chung cư cũ là nguyên tắc đồng thuận và thống nhất chung, mà điều đó trong nhiều trường hợp lại làm chưa tốt.
Trong khi lại thiếu quy định về bồi thường, thu hồi nếu người dân không chấp thuận nên việc cải tạo, xây mới là khó khăn. “Tôi cho rằng, vấn đề nằm ở sự hồ nghi về lợi ích. Đó là bất lợi nhất. Các bên phải tin nhau, cộng đồng phải tin nhau”- ông Võ nhận xét.
Về việc người dân nghi ngờ quyền lợi của họ bị doanh nghiệp đầu tư chiếm dụng không hẳn đã vô lý.
Ví dụ trong trường hợp TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cho rằng còn khoảng 400 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, đã và đang tiếp tục xuống cấp.
Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng muốn nhận công trình, vì rất khó thuyết phục người dân. Còn với những doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền đồng ý cho tiến hành cải tạo chung cư cũ thì lại chậm triển khai dự án, khiến người dân càng thêm nghi ngờ.
Một giám đốc doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM cho biết, theo kêu gọi từ phía UBND thành phố về việc doanh nghiệp tư nhân cùng thành phố tham gia cải tạo chung cư cũ, họ đã vào cuộc.
Nhưng khi tìm hiểu thì những chung cư cũ vị trí đẹp, có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp thì đã có đơn vị trúng thầu, chỉ còn những chung cư ở vị trí khó sinh lợi nên cũng không muốn đầu tư.
Vị giám đốc này còn cho rằng, không loại trừ cả việc dự án cải tạo chung cư cũ được các doanh nghiệp trúng thầu chào bán lại.
Đó chính là việc doanh nghiệp “xí phần” để bán kiếm lời. Chính vì thế mà nhiều dự án cải tạo chung cư vẫn im lìm, người dân phải sống trong cảnh đổ nát, nguy hiểm.
Không có chính quyền cầm trịch, không xong
Trong khi quyền lợi giữa người dân và doanh nghiệp chưa thương thảo được dẫn đến việc chung cư cũ khó cải tạo, xây mới, thì nhiều ý kiến cho rằng rất cần “người cầm trịch”- ở đây cần hiểu theo nghĩa đó là cơ chế chính sách rõ ràng của chính quyền cấp thành phố.
Nếu lãnh đạo các thành phố không “ra tay” thì sự việc vẫn ở thế bùng nhùng.
Trước hết, đó là việc thành phố phải bố trí được quỹ nhà tạm cư cho người dân khi di dời để giải phóng mặt bằng, tiến hành xây dựng.
Nhưng, quỹ nhà đó vừa thiếu lại vừa không đáp ứng được nhu cầu của người dân khi bỏ chỗ ở cũ đến chỗ ở mới, trong khi không biết đến bao giờ mới lại được “trở về mái nhà xưa”.
Thực tế cho thấy, một công trình cải tạo, xây mới chung cư cũ bị kéo dài dăm ba năm là chuyện không hiếm.
Trong khi “xảy nhà ra thất nghiệp”, đến chỗ mới sinh hoạt đảo lộn, phát sinh nhiều khó khăn khó lường trước, trong đó có chuyện đi học của con em họ.
Tuy nhiên, không thể vì thế mà vẫn để tồn tại nhiều chung cư cũ nát ngay trong lòng thành phố. Hôm nay, người Hà Nội ái ngại khi thấy cảnh chen chúc nhau tại các khu Kim Liên, Trung Tự.
Nhưng chẳng lẽ cứ để mặc cho người ta “tự xử”? Hay là để người dân và doanh nghiệp thương thảo đến khi nào xong thì thôi? Tệ hơn là cứ để mặc, đợi khi nhà nghiêng hẳn chực đổ, người dân đành chấp nhận ra đi thì mới tiến hành xử lý?
Chuyện mới ở những chung cư cũ chính là ở chỗ chưa thấy một cơ chế rõ ràng, mang tính khả thi, để cho “chuyện cũ” vẫn lê lết từ năm này sang năm khác.
Mà điều đó, chính quyền thành phố không vào cuộc, không xong.
Theo Báo cáo cuối năm 2017 của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản: Tại các đô thị trong cả nước có khoảng trên 2.500 nhà chung cư cũ (tương đương trên 3 triệu m2) được xây dựng từ trước năm 1994, với hơn 100.000 hộ dân sinh sống.
Trong đó, Hà Nội có hơn 1.500 tòa, TP HCM hơn 500 tòa, Hải Phòng có 205 tòa, Phú Thọ hơn 60 tòa, các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa là trên 20 tòa...
Trong đó có khoảng 600 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng cần phải cải tạo, xây dựng lại, chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng...
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: