Top

Nhà chung cư tái định cư:

Việc cấp giấy chứng nhận sẽ thoáng hơn

Cập nhật 25/01/2010 07:50

Sở Xây dựng đề xuất: Hộ tái định cư khi trả xong tiền mua nhà sẽ được cấp giấy chứng nhận dù chung cư chưa xong thủ tục pháp lý.

Sở Xây dựng vừa có tờ trình UBND TP về hoàn chỉnh dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư tái định cư trên địa bàn TP.

Đang thuê: Được mua theo giá tái định cư

Sở Xây dựng cho biết dự thảo trên được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết hiện nay trong việc quản lý chung cư tái định cư. “Vì những đặc thù riêng nên chung cư tái định cư chưa được quản lý theo các quy định tại Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chế quản lý nhà chung cư” - sở này nhận xét.

Ngoài những quy định chung cho nhà chung cư như thành lập ban quản trị, tổ chức hội nghị nhà chung cư, chung cư tái định cư được Sở Xây dựng đề nghị có những quy chế riêng, rõ nhất là trong việc cấp giấy chứng nhận. Theo đó, đơn vị quản lý phải có trách nhiệm lập hồ sơ thủ tục trình UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận cho đúng đối tượng tái định cư sau khi hộ dân đã trả hết tiền mua căn hộ, kể cả trường hợp dự án khu tái định cư chưa hoàn tất thủ tục pháp lý.
 

Nếu dự thảo được thông qua, hộ tái định cư trả xong tiền sẽ được cấp giấy chủ quyền nhà. Trong ảnh: Chung cư tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM vừa mới đưa vào sử dụng. Ảnh: HTD


Nếu dự thảo được thông qua, quy định trên là điểm khác biệt quan trọng nhất của chung cư tái định cư so với các loại hình chung cư thương mại, dự án nhà ở khác. Theo quy định hiện hành, nhà chung cư hoặc nhà dự án phải hoàn tất thủ tục pháp lý, phải hoàn chỉnh hạ tầng và được nghiệm thu thì cư dân mới được giải quyết cấp giấy.

Về phương thức thanh toán, Sở Xây dựng kiến nghị các hộ tái định cư được chọn trả tiền một lần hoặc trả chậm từ một năm đến 15 năm, thời hạn trả góp do hội đồng bồi thường của dự án xem xét. Hộ đang thuê nếu có yêu cầu mua căn hộ đang thuê thì được mua theo giá bán tái định cư và được xét khấu trừ 80% tiền thuê đã trả. “Phần 20% còn lại được tính vào chi phí quản lý vì trong thời gian thuê thì đơn vị quản lý phải bỏ kinh phí sửa chữa các hư hỏng phát sinh” - sở này lý giải.

Trong trường hợp hộ đang mua căn hộ trả góp không có khả năng tiếp tục hợp đồng trả góp và có nhu cầu chuyển sang thuê căn hộ, doanh nghiệp quản lý sẽ xem xét, trình UBND quận, huyện quyết định từng trường hợp. “Giá thuê tính theo phương thức khấu hao 30 năm” - dự thảo đề xuất.

Hư hỏng do thi công: Chủ đầu tư và nhà thầu chịu

Thời gian qua, tình trạng các chung cư tái định cư mới sử dụng vài năm đã hư hỏng, xuống cấp bị phản ánh rất nhiều. Chẳng hạn chung cư 120 căn phường An Phú bị lún, nứt móng dù mới sử dụng từ năm 2005, hoặc các chung cư B27, Bình Trưng Đông (quận 2), Tân Hương (quận Tân Phú) cũng bị hư hỏng đến mức báo động… Lần này, dự thảo đã đưa ra cách giải quyết dựa trên cơ sở xác định nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể.

Theo dự thảo, nếu hư hỏng do nguyên nhân khách quan, do niên hạn sử dụng thì đơn vị quản lý chủ động lập dự toán sửa chữa, trình Sở Tài chính xác định nguồn kinh phí sửa chữa từ nguồn tiền thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trường hợp hư hỏng do các nguyên nhân khác thì tùy trách nhiệm cụ thể để xác định nguồn kinh phí sửa chữa.

Chẳng hạn, nếu chung cư tái định cư bị xuống cấp do việc thi công không đảm bảo chất lượng, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải tự chịu trách nhiệm về kinh phí và tổ chức sửa chữa. Còn khi hư hỏng do công tác quản lý, sử dụng không đạt yêu cầu thì đơn vị quản lý, sử dụng phải chịu trách nhiệm.

Hy vọng “liều thuốc” của Sở Xây dựng đưa ra sẽ đủ mạnh để trị căn bệnh đùn qua đẩy lại giữa các bên mỗi khi các chung cư tái định cư bị hư hỏng, xuống cấp như trong thời gian qua.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP