Một góc phố cổ. |
Trong bảng xếp hạng 110 điểm đến có giá trị lịch sử trên thế giới của Tạp chí National Geographic (Mỹ), phố cổ Hà Nội là một trong 110 điểm đến ấy. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều giá trị vật thể và phi vật thể trong khu phố cổ Hà Nội đang mai một theo thời gian, mà một trong những lý do quan trọng nhất là sự quá tải về dân số so với cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, dự án giãn dân phố cổ vừa được tái khởi động sau gần 10 năm gần như… bất động.
Nhiệm vụ khó khăn
Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, hiện mật độ dân tại đây đã lên tới hơn 84.000 người/km², thuộc loại cao nhất thế giới. Phố cổ Hà Nội có gần 1.000 ngôi nhà cổ xây dựng từ hơn 100 năm trước, đa phần hư hỏng nặng, bị cơi nới, sửa chữa tự phát. Tại khu vực cũng đã xuất hiện nhiều “kiểu nhà lụp xụp” với số lượng lên đến hơn 500 căn.
Không phải đến tận bây giờ mà vào năm 2001, với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, dự án di dân phố cổ Hà Nội đã được xây dựng, đề ra mục tiêu đến năm 2005 di dời trên 20.000 dân ra khỏi khu vực phố cổ, đến định cư tại khu đô thị mới rộng 28 ha thuộc xã Việt Hưng (huyện Gia Lâm, nay là quận Long Biên). Dự kiến, đây là khu đô thị mới hiện đại, đầy đủ tiện nghi, nhưng vẫn kế thừa các đặc trưng văn hóa phố cổ. Các tuyến phố thương mại, hệ thống cửa hàng và khu tiểu thủ công nghiệp sẽ được xây dựng để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.
Đáng tiếc, cho đến nay, mục tiêu này vẫn chưa thực hiện được, vì một lý do quan trọng – như KTS Hoàng Đạo Kính từng khuyến cáo ngay ở thời điểm đó – chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi, tổ chức tốt cuộc sống cho người dân phải di dời. Đây cũng là trăn trở của KTS Tô Thị Toàn, nguyên Trưởng ban Quản lý phố cổ (lúc đó còn trực thuộc UBND TP Hà Nội, nay trực thuộc UBND quận Hoàn Kiếm): “Người dân ở khu vực phố cổ không muốn di dời vì chẳng biết sang khu đô thị mới họ sẽ làm ăn buôn bán như thế nào?”.
Trên thực tế, năm 2008, dự án xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ tại địa chỉ 50 Đào Duy Từ đã “vấp” phải khó khăn rất lớn khi phải di dời chỉ có 38 hộ với 143 nhân khẩu. Và một khi chương trình di dân chậm triển khai thì nhà cổ lại đang ngày càng xuống cấp.
Không thể không thực hiện!
Dự thảo đề án giãn dân phố cổ mới đây đã được UBND quận Hoàn Kiếm sửa đổi, bổ sung, trình UBND TP Hà Nội. Theo đó, đến năm 2020, sẽ di dời khoảng 30.000 dân ra khỏi khu phố cổ để giảm mật độ dân số xuống mức 50.000 người/km². Giai đoạn 1 (đến 2015) sẽ di chuyển gần 2.000 hộ bao gồm 1.600 hộ tự nguyện di chuyển, 109 hộ sống trong những căn nhà có nguy cơ sập đổ, 170 hộ ở trong khuôn viên các di tích, 39 hộ sống trong các trường học, 24 hộ sống xen lẫn trong khuôn viên các công sở.
Đối với những hộ đang sống trong khuôn viên các di tích, công sở và trường học, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho biết, quận sẽ lập hồ sơ từng trường hợp, trình TP ra quyết định thu hồi đất để giải phóng mặt bằng và áp dụng chính sách hỗ trợ theo quy định chung của TP. Diện tích thu hồi từ các hộ thuộc diện vừa nêu sẽ được hoàn trả cho các trường học, công sở và di tích, để không còn tình trạng cư dân sống chung trong các công trình công cộng.
Những trường hợp tự nguyện di chuyển thì người dân có quyền định giá tài sản, đất đai của mình để chuyển nhượng cho những hộ còn ở lại trong cùng số nhà, khu nhà. Nhưng UBND quận sẽ có quy định ràng buộc việc sang nhượng phải đảm bảo nguyên tắc không được đưa người dân ở ngoài và ở khu vực khác vào khu phố cổ, bởi “nếu giãn dân mà lại để người nơi khác về ở, mật độ vẫn đông như thế thì không đạt được mục đích”.
Cũng theo đề án, khu tái định cư dành cho mục đích giãn dân tại khu đô thị mới Việt Hưng sẽ được thiết kế xen kẽ chung cư và khu dịch vụ thương mại để đảm bảo “nghề truyền thống” của cư dân phố cổ. Việc đầu tư xây dựng được xã hội hóa, song nhà đầu tư sẽ được TP hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Dự kiến đến quý 4-2010 khu tái định cư sẽ được khởi công.
Băn khoăn còn lại
Kết quả điều tra nguyện vọng của người dân phố cổ được quận Hoàn Kiếm tiến hành giữa năm 2009 tỏ ra không khác biệt lớn so với cách nay gần 10 năm: chỉ có 6,7% số hộ ở phố cổ muốn thay đổi chỗ ở. Bất chấp việc phải xoay xở khó khăn trong những không gian sống quá chật hẹp, xuống cấp trầm trọng (diện tích nhà ở bình quân chỉ 1,5 - 2m²/người), tuyệt đại đa số cư dân phố cổ vẫn ngần ngại, không muốn di chuyển vì phải thay đổi thói quen sinh hoạt và sợ mất nguồn thu nhập.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, chủ trương di dân ra khỏi phố cổ chủ yếu xuất phát từ mục tiêu giải quyết điều kiện ăn, ở của người dân phố cổ và TP sẽ hỗ trợ đào tạo học nghề cho những người của phố cổ di dân theo kế hoạch của UBNDTP Hà Nội có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: