Top

Vì sao thừa nhà tái định cư?

Cập nhật 17/03/2018 08:23

UBND TP HCM không có chủ trương dùng quỹ đất tái định cư để làm nhà ở thương mại, trục lợi ngân sách

Đó là khẳng định của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, tại buổi họp báo định kỳ đầu năm 2018 diễn ra chiều 16-3.

Do thay đổi chính sách

Phản hồi về "Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư (TĐC) và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất TĐC giai đoạn 2016-2020 của TP HCM" của Kiểm toán Nhà nước cho rằng hơn 14.000 căn hộ, nền đất phục vụ TĐC tại TP HCM đang thừa, ông Trần Trọng Tuấn cho rằng đây là yếu tố khách quan do chính sách và pháp luật quy định của từng thời kỳ.

Cụ thể, năm 1998 kéo dài đến năm 2007, TP thực hiện TĐC theo Nghị định 22. Khi giải tỏa, nhà nước đền bù theo giá đền bù hoặc bố trí một căn hộ mới. Lúc đó, nhận nhà có lợi hơn nên người dân chọn phương án đó để bán lại cho người khác kiếm lời. Căn hộ TĐC lúc đó thiếu trầm trọng. Vì vậy, lãnh đạo UBND TP HCM nhanh chóng đầu tư khu TĐC Vĩnh Lộc B và khu 12.500 căn tại Thủ Thiêm (quận 2) với ý nghĩa giải quyết nhu cầu TĐC cũng như hình thành các khu nhà ở bảo đảm hạ tầng. Tuy nhiên, ít năm sau, chính sách lại thay đổi. Lúc này, theo quy định pháp luật, giải tỏa phải bồi thường theo giá trị thị trường. Như vậy, việc nhận tiền có lợi hơn nhận căn hộ dẫn đến việc dư các khu TĐC.

Về hướng giải quyết hơn 14.000 căn hộ, nền đất đang thừa, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho rằng sẽ dùng 8.524 căn hộ và nền đất tiếp tục bố trí TĐC cho các dự án sắp tới. Ngoài ra, 1.000 căn hộ ở Vĩnh Lộc B để dành bố trí cho người dân bị thiên tai, sạt lở đất, bão…; số ít chuyển sang nhà ở xã hội… Hiện tại, TP HCM cũng đã được Chính phủ chấp thuận đấu giá 5.222 căn hộ, nền đất bán sang nhà ở thương mại. Đồng thời, cho đề xuất tổ chức đấu giá bổ sung 184 căn hộ không còn nhu cầu sử dụng.

Khu tái định cư Thủ Thiêm hiện thừa 12.500 căn hộ

"Không trục lợi để kiếm tiền"

Trả lời câu hỏi lấy nhà TĐC "hóa kiếp" thành nhà ở thương mại liệu có trục lợi từ chính sách hay không, ông Tuấn khẳng định lãnh đạo UBND TP không có tư tưởng trục lợi việc này.

Ông Tuấn nêu ví dụ tại khu TĐC 12.500 căn hộ ở Thủ Thiêm, chính quyền thực hiện theo 2 hình thức: bỏ vốn ngân sách để đầu tư hoặc ký hợp đồng liên doanh với tư nhân. Từ đó, chủ đầu tư xây dựng rồi bán lại cho nhà nước.

"Các căn hộ đề xuất hoán đổi thành nhà thương mại là những căn hộ vốn của tư nhân. Trong bối cảnh người dân không vào ở, UBND TP đã xin chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng, cho hoán đổi đấu giá để doanh nghiệp thu hồi vốn. Đây là tài sản của tư nhân không phải của nhà nước" - ông Tuấn nêu.

Giám đốc Sở Xây dựng TP thông tin đến thời điểm hiện tại, việc đấu giá vẫn đang thẩm định nên một vài dự án như New City của Công ty Thuận Việt (quận 2) rao bán căn hộ là không chính xác. "Có thể chủ đầu tư ký kết với dân dạng đặt cọc trước. Theo quy định, muốn bán căn hộ phải hoàn tất các thủ tục và được cơ quan nhà nước đồng ý" - ông Tuấn nói.

Ông Trần Trọng Tuấn cũng cho rằng đối với khu TĐC Thủ Thiêm, rất khó để chuyển đổi sang công năng nhà ở xã hội do chủ đầu tư đã đóng tiền sử dụng đất. Nếu thực hiện, phải "thối" lại số tiền nói trên và tỉ lệ đơn vị xây dựng đồng ý rất thấp.

Tìm hiểu nguyện vọng của người dân

Theo ông Trần Trọng Tuấn, chuyện dư thừa và hoang tàn khu TĐC Vĩnh Lộc B đã để lại bài học xương máu về công tác giải tỏa, đền bù.

"Lúc đó, chúng ta không tính đến việc người dân quận 1, quận 6 khi về Bình Chánh thì làm nghề gì để sống? Từ câu chuyện này, UBND TP kiến nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ có sự thay đổi về mặt pháp luật. Những năm gần đây, khi TĐC phải xác định bố trí tại chỗ cho người bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, trước kia, chúng ta thực hiện công tác giải tỏa chỉ điều tra khảo sát về pháp lý đất của người dân. Nay khi thực hiện phải điều tra xã hội học, thống kê số lượng người dân làm nghề gì, nhu cầu và tâm tư, nguyện vọng ra sao để tính toán được nhu cầu thực tế" - ông Tuấn cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ