Top

Nhiều người đổ tiền vào căn hộ du lịch dù rủi ro lớn

Cập nhật 17/03/2018 08:20

Hầu hết người mua căn hộ du lịch đều gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận vì chưa có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này.

Hàng loạt vấn đề quan trọng liên quan đến việc cấp sổ đỏ, thời hạn sở hữu, chuyển nhượng… với loại hình căn hộ du lịch (condotel) đã được nêu ra tại hội thảo “Đầu tư condotel: Thực tế, triển vọng và giải pháp”. Hội thảo được tổ chức chiều 16-3 tại Bình Định với sự tham gia của đại diện lãnh đạo bộ, ngành và các doanh nghiệp.

Nguồn cung tăng cực nhanh

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nhận định: Trong năm 2017, vốn đầu tư vào thị trường địa ốc tập trung chủ yếu vào phân khúc bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng, có thể tới khoảng 70%, 30% còn lại đầu tư vào các dự án nhà ở, trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng.

Lý giải về việc vì sao chủ đầu tư lại hăng say đầu tư vào condotel, GS Đặng Hùng Võ phân tích: So sánh với các loại hình hàng hóa BĐS nghỉ dưỡng dạng biệt thự hay nhà liền kề thì BĐS nghỉ dưỡng dạng condotel mang lại tỉ suất lợi nhuận cao nhất vì chi phí cho đất đai không đáng kể.

Lý giải về quyết định đầu tư vào condotel, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, cho biết: “Chúng tôi quyết định đầu tư vào condotel vì đơn giản đây là xu hướng đầu tư tốt của thị trường BĐS hiện nay. Phân khúc này mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, từ chủ đầu tư, doanh nghiệp cho đến các đơn vị quản lý”.

“Với các nhà đầu tư thứ cấp, condotel vừa giúp họ được sở hữu tài sản, vừa mang lại thu nhập ổn định từ khai thác cho thuê mà không phải tự quản lý tài sản, kinh doanh” - ông Quyết nói thêm.


Căn hộ du lịch đang nở rộ nhưng khung pháp lý dành cho loại hình này lại chưa rõ ràng. Ảnh: THÙY LINH

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng cho rằng cùng với việc tăng trưởng về căn hộ du lịch, condotel, các loại hình khác như biệt thự và khách sạn truyền thống đang gia tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu khách du lịch quốc tế và nội địa. Tại một số địa phương có tình trạng tăng nóng condotel. Thậm chí khu vực Bãi Dài, Cam Ranh có xu hướng dư thừa.

“Trên phạm vi cả nước, việc hoạch định condotel là quan trọng, nếu không mất cân đối sẽ xảy ra. Khách du lịch và từng địa phương khác nhau nên phải tính toán, xây dựng được kế hoạch thì mới đảm bảo cung cầu, tránh được việc thừa thiếu hay tăng trưởng quá nóng” - ông Tuấn cảnh báo.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Vnrea, cho biết riêng năm 2017, ước tính có khoảng 23.000 căn hộ du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng được bán ra thị trường. Đáng chú ý, số lượng giao dịch thành công chiếm 65%-70% khối lượng chào bán.
 
Vẫn còn nhiều vướng mắc

Không phủ nhận sức hấp dẫn của loại hình căn hộ condotel nhưng làm thế nào để có một khung pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện cho một thị trường minh bạch, lành mạnh cho các sản phẩm mới như condotel là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea), cho biết: Trên thực tế, hầu hết người mua condotel đều gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận (GCN) vì pháp luật chưa có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này. Từ đó, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người có tài sản, Vnrea đề nghị Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể về việc cấp GCN cho loại hình BĐS này theo hướng: Cá nhân, tổ chức có thể mua căn hộ condotel (không phải dưới dạng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án) và được cấp GCN dù dự án condotel đó được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ hay đất ở không hình thành đơn vị ở.

Liên quan đến vấn đề chuyển nhượng hợp đồng mua bán condotel, hiện nay pháp luật kinh doanh BĐS mới chỉ quy định chi tiết đối với trường hợp chuyển nhượng mua bán, thuê mua nhà mà chưa có quy định về chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình xây dựng (không phải nhà ở) hình thành trong tương lai.

Do đó Vnrea kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan trình cấp thẩm quyền quy định chi tiết về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình (công trình nhà ở) hình thành trong tương lai, nhằm tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và khách mua khi có nhu cầu.

Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thừa nhận hiện nay có những nơi vẫn bối rối với loại hình condotel mà cụ thể là trong việc cấp GCN và quyền sở hữu. Hiện nay chúng ta vừa làm vừa lo khi chưa có khung pháp lý phù hợp.

“Do vậy, để bảo vệ khách hàng, trước mắt Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng cần sớm xây dựng khung pháp lý về các thủ tục cấp GCN cho condotel để nhà đầu tư yên tâm” - ông Hiếu đề xuất.

Đừng chỉ quan tâm đến lợi nhuận

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị người mua không nên chỉ chăm chăm chú ý đến những doanh nghiệp cam kết lợi nhuận đầu tư condotel cao 8%-10%, thậm chí 15%-20% bởi lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao.

Vậy thì mức lợi nhuận bao nhiêu là hợp lý? TS Lực lấy ví dụ ở Thái Lan, chủ đầu tư đưa ra mức lợi nhuận là 7%/năm, 5% ở Trung Quốc.

Hơn nữa, chủ đầu tư cũng cần phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro, chẳng hạn chỉ nên đưa ra mức lợi nhuận 8%-10% trong thời gian năm năm là phù hợp. Ngoài ra, khách hàng cũng cần phải quan tâm đến vấn đề thanh khoản bởi sau khi mua mà không thể chuyển nhượng được thì vô cùng rủi ro.

Ông Lực cũng kiến nghị các cơ quan quản lý cần phải có hợp đồng mẫu về cam kết lợi nhuận đối với loại hình condotel. Bởi với mức độ pháp lý hiện vẫn chưa rõ ràng và không phải chủ đầu tư nào cũng làm ăn chuyên nghiệp thì đây là phương án tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.


DiaOcOnline.vn - Theo PLO