Hiện nay có rất nhiều khách hàng chọn ngân hàng là “cứu cánh” trong giao dịch mua bán nhà đất. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ phải vỡ mộng….
Mặc dù việc vay vốn ngân hàng là chủ trường hỗ trợ từ phía chủ đầu tư dự án, nhưng không phải khách hàng nào cũng được duyệt vay vốn. Vợ chồng anh T (ngụ Q.7, TP.HCM) dự định vay ngân hàng khoảng 60% giá trị căn hộ (chính sách chủ đầu tư đưa ra là hỗ trợ vay tối đa 70%), để mua một căn nhà mới.
Thế nhưng bảng kê khai thu nhập của hai vợ chồng chưa đạt mức được vay khiến quá trình vay vốn “gián đoạn”. Sau thời gian trì hoãn, anh T chuyển sang mua một dự án khác ở quận 6.
Rút kinh nghiệm từ lần trước, anh đã kê “khống” mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với thực tế. Cuối cùng, hồ sơ vay vốn ngân hàng của vợ chồng anh mới được duyệt.
Anh Trần Văn Sĩ (trọ tại ngã tư Q.Thủ Đức, TP.HCM) đặt cọc 30 triệu đồng để mua nền đất 650 triệu đồng tại đuờng Long Phước, P.Long Phước, Q.9.
Trước khi đặt cọc, phía chủ đầu tư cho anh S biết sẽ được vay 70% giá trị miếng đất. Tuy nhiên, gần đến ngày thanh toán tiền đợt 2, phía ngân hàng lại thông báo anh chỉ được vay tối đa 320 triệu đồng.
Không phải khách hàng nào cũng được duyệt vay vốn của ngân hàng khi mua nhà
|
“Không biết xoay đâu ra hơn 100 triệu đồng trong vòng 5 ngày nên tôi buộc phải gọi điện lên công ty bán đất nhờ họ hỗ trợ cho vay mức tối đa. Cuối cùng, công ty và ngân hàng liên kết chốt lại cho tôi vay 400 triệu đồng.
50 triệu còn lại, không biết phải lấy ở đâu ra, hai hai vợ chồng bàn tính bỏ tiền cọc không mua đất nữa”, anh S tâm sự. Chị N (làm việc tại Q.1) cũng “bỏ cuộc” vay vốn ngân hàng khi mua một căn hộ trên đường Đỗ Xuân Hợp, Q.9 vì vướng nợ xấu.
Theo lời chị, ông xã có mua trả góp một điện thoại di động theo hình thức hỗ trợ từ quỹ cho vay mua tiêu dùng và còn nợ khoảng 1,5 triệu đồng quá hạn chưa trả. Khi thẩm định hồ sơ, ngân hàng thông báo chị vướng nợ xấu trước đó và không được giải ngân vốn vay.
Sau khi đã giải quyết hết khoản nợ xấu, vợ chồng chị N cũng không được vay vốn vì theo quy định khi hoàn tất nợ, khách hàng vẫn bị “treo” trên hệ thống một thời gian.
Theo chị Thúy, nhân viên ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinkbank - chi nhánh Q.Thủ Đức, TP.HCM), vốn giải ngân cho khách hàng mua nhà thường có hai hình thức là giải ngân nhanh và giải ngân chậm.
Đa số khách mua nhà/đất đã có sổ thì chủ đầu tư dự án sẽ liên kết với ngân hàng cho giải ngân liền (khách hàng chịu phí giải ngân khoảng 4 – 5 triệu đồng).
Còn đối với các dự án chưa ra sổ, khách mua chọn hình thức giải ngân chậm (thời gian tối thiểu là 60 ngày và không mất phí), khách hàng chỉ nhận được vốn vay sau khi ngân hàng nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – nhà ở.
“Nhiều khách hàng thắc mắc về việc không được vay tối đa theo mức ban đầu đã thỏa thuận với chủ đầu tư nhưng thực tế mức vay tối đa này phụ thuộc vào mức ngân hàng định giá”, chị Thúy cho biết.
Hầu hết đối tượng vay ngân hàng mua nhà/đất thường là những gia đình trẻ, tích lũy chưa nhiều. Bên cạnh những trường hợp có thu nhập cao để trả nợ hàng tháng thì với rất nhiều người, khoản vay ngân hàng trở thành“gánh nặng” mà ngay bản thân họ cũng không biết đến khi nào mới trả hết nợ cho ngân hàng.
Khi vay vốn, khách mua sẽ được ngân hàng ưu đãi lãi suất trong vòng 12-24 tháng, sau đó lãi suất sẽ được tính theo giá thị trường cộng với biên độ khoảng 3,5 – 4,5% (tùy ngân hàng).
Vì thế, nhiều người vay ngân hàng mua nhà lúc nào cũng trong trạng thái lo lắng vì không biết lãi suất sẽ đi về đâu và số tiền họ trả nợ sẽ lên đến mức nào?
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: