Top

Vá vết thấm hầm Thủ Thiêm bằng keo

Cập nhật 29/05/2010 10:10

Tận dụng cơ chế tự hàn gắn của bêtông; thông gió cho đường hầm; sử dụng keo epoxy bơm vào các vết thấm, rò là 3 giải pháp được đơn vị tư vấn giám sát công trình hầm Thủ Thiêm đưa ra để khắc phục các vị trí thấm và ẩm.

Báo cáo tình hình thấm đốt hầm Thủ Thiêm sáng 28/5, ông R. MaNai, Giám đốc đơn vị tư vấn giám sát dự án Đại lộ Đông Tây, Oriental Consultants cho biết, có 3 giải pháp chống thấm hầm Thủ Thiêm. Một là tận dụng quá trình tự hàn gắn của bêtông mới tạo chất canxi trám lại các khe thấm. "Giải pháp này đặc biệt hiệu quả với các khe thấm rộng dưới 0,2 mm", chuyên gia này khẳng định. Giải pháp thứ hai là hoàn chỉnh hệ thống thông gió giúp đảm bảo độ ẩm theo thiết kế.

Biện pháp xử lý cuối cùng là dùng PU (polyrethane) hoặc keo Epoxy bơm với áp suất cao để dung dịch đi vào vết nứt. Các chất này sẽ trương nở bịt kín vết nứt, sau đó trám trét và chống thấm.

Dự kiến đến tháng 7, đơn vị tư vấn sẽ trình dự án sửa chữa chi tiết các vị trí thấm. Tới tháng 9, nhà thầu bắt đầu tiến hành sửa chữa sau khi toàn bộ đường hầm được kết nối. "Việc sửa chữa sẽ hoàn thành trước khi bàn giao đốt hầm cho nhà thầu gói thiết bị để lắp đặt những thiết bị cơ điện như đèn, điện", ông R. MaNai cho biết.

Theo đơn vị tư vấn, việc sửa chữa chưa thể tiến hành ngay vì vướng các bể nước cố định đốt hầm dưới lòng sông không cho nổi lên trên. Chỉ đến khi kết nối hoàn tất các đốt hầm, tháo dỡ bể chứa nước, mới có thể xử lý chống thấm được.


Đốt hầm thứ 3 có hơn 100 vị trí thấm và ẩm cùng 8 vị trí rò rỉ nước trên bản đỉnh. Ảnh: Kiên Cường

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây Lương Minh Phúc nhìn nhận, hai giải pháp đầu chỉ là biện pháp phụ; cách chống thấm chính vẫn là can thiệp trực tiếp vào vết thấm, tức bơm keo, trám trét. "Nhiều công trình ngầm trên thế giới đã xử lý thấm thành công bằng cách này, như đường hầm cảng Sydney (Australia) khi mới xây thấm nước nhỏ thành giọt đã sử dụng cách chống thấm trám bằng keo an toàn đến nay đã 20 năm", ông Phúc nói.

ình trạng thấm nước hầm Thủ Thiêm được Nhà thầu Obayashi của dự án hầm Thủ Thiêm phân biệt như sau:

Ẩm: bề mặt bêtông đổi màu do độ ẩm, chạm vào bề mặt bêtông không thấy có nước.

Thấm: bề mặt bêtông đổi màu do độ ẩm hoặc nước, chạm vào bề mặt bêtông thấy có nước.

Rò rỉ: bề mặt bêtông đổi màu do độ ẩm hoặc nước, sau đó nước sẽ nhỏ giọt xuống dọc theo tường.

Đối với tình trạng thấm đốt hầm Thủ Thiêm, đơn vị tư vấn giám sát dự án khẳng định vẫn trong ngưỡng cho phép và không ảnh hưởng đến kết cấu hầm.

Ông MaNai cho rằng, tiêu chí thấm dưới 5cc một giờ mỗi m2, hoặc 0,12 lít mỗi ngày trên một m2, dùng cho hầm Thủ Thiêm đã được nhiều công trình ngầm trên thế giới áp dụng. Ví dụ cho đường hầm băng ngang cảng phía Tây HongKong, MRT BangKok, đường hầm cảng Sydney, tiêu chí thiết kế LTA Singapore...
Ông giám đốc dự án Đại lộ Đông Tây cũng khẳng định, trong hầm có 5 vị trí có thể xảy ra thấm là: mặt cắt ngang (mặt để nối giữa hai đốt), đáy, đỉnh, tường và vách ngăn. Khu vực quan trọng nhất là mặt cắt ngang không xảy ra hiện tượng thấm.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, đốt hầm số 1 và số 2 có tới 130 vị trí thấm và ẩm. Đốt hầm thứ 3 có hơn 100 vị trí thấm, ẩm; trong đó có 8 vị trí rò rỉ nước dưới 3 cc một giờ mỗi m2. Đốt thứ hai cũng được phát hiện có tới 11 vị trí rò rỉ nước dạng này. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn giám sát khẳng định các vết thấm hiện nay nằm trong giới hạn cho phép (không vượt quá 5 cc một giờ mỗi m2).

Tư vấn giám sát cho rằng khoảng trống giữa bêtông và những bù lông neo này cùng ống thổi cát (ống được lắp đặt dùng để thổi cát xuống phía dưới đáy hầm cố định hầm sau này) là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thấm nước hoặc ẩm của bề mặt bêtông.

Hầm Thủ Thiêm thuộc dự án Đại lộ Đông - Tây ở TP HCM, là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Hầm dìm Thủ Thiêm có bốn đốt, mỗi đốt dài 93 m, rộng 33 m, cao 9 m (tương đương tòa nhà 3 tầng), nặng gần 27.000 tấn.

Ngày 7/3 đến 10/3 đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên đã được lai dắt từ bãi đúc Nhơn Trạch đến vị trí dìm tại khu vực gần cầu Khánh Hội, quận 1 và nối thông đường dẫn quận 2. Ngày 5-6/4, đốt thứ hai được lai dắt, dìm và nối thông với đốt đầu tiên. Ngày 28/4, báo cáo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho biết hai đốt hầm số 1 và số 2 dưới đáy sông đã xuất hiện hiện tượng thấm cục bộ nhìn thấy bằng mắt thường tại đầu đốt số một, đầu đốt số 2 trong vị trí bản nắp hầm, gần sát vành thép của mỗi đốt và tại một vài vết nứt đứng thành hầm.

Dự kiến ngày 4-5/6, đốt cuối cùng sẽ được lai dắt và dìm. Hầm Thủ Thiêm có thể được hợp long vào tháng 8 năm nay. Toàn tuyến Đại lộ Đông Tây được thông xe vào Tết Nguyên đán 2011.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress