Tận dụng cơ chế tự hàn gắn của bêtông; thông gió cho đường hầm; sử dụng keo epoxy bơm vào các vết thấm, rò là 3 giải pháp được đơn vị tư vấn giám sát công trình hầm Thủ Thiêm đưa ra để khắc phục các vị trí thấm và ẩm.
Báo cáo tình hình thấm đốt hầm Thủ Thiêm sáng 28/5, ông R. MaNai, Giám đốc đơn vị tư vấn giám sát dự án Đại lộ Đông Tây, Oriental Consultants cho biết, có 3 giải pháp chống thấm hầm Thủ Thiêm. Một là tận dụng quá trình tự hàn gắn của bêtông mới tạo chất canxi trám lại các khe thấm. "Giải pháp này đặc biệt hiệu quả với các khe thấm rộng dưới 0,2 mm", chuyên gia này khẳng định. Giải pháp thứ hai là hoàn chỉnh hệ thống thông gió giúp đảm bảo độ ẩm theo thiết kế.
Biện pháp xử lý cuối cùng là dùng PU (polyrethane) hoặc keo Epoxy bơm với áp suất cao để dung dịch đi vào vết nứt. Các chất này sẽ trương nở bịt kín vết nứt, sau đó trám trét và chống thấm.
Dự kiến đến tháng 7, đơn vị tư vấn sẽ trình dự án sửa chữa chi tiết các vị trí thấm. Tới tháng 9, nhà thầu bắt đầu tiến hành sửa chữa sau khi toàn bộ đường hầm được kết nối. "Việc sửa chữa sẽ hoàn thành trước khi bàn giao đốt hầm cho nhà thầu gói thiết bị để lắp đặt những thiết bị cơ điện như đèn, điện", ông R. MaNai cho biết.
Theo đơn vị tư vấn, việc sửa chữa chưa thể tiến hành ngay vì vướng các bể nước cố định đốt hầm dưới lòng sông không cho nổi lên trên. Chỉ đến khi kết nối hoàn tất các đốt hầm, tháo dỡ bể chứa nước, mới có thể xử lý chống thấm được.
Đốt hầm thứ 3 có hơn 100 vị trí thấm và ẩm cùng 8 vị trí rò rỉ nước trên bản đỉnh. Ảnh: Kiên Cường |
ình trạng thấm nước hầm Thủ Thiêm được Nhà thầu Obayashi của dự án hầm Thủ Thiêm phân biệt như sau: Ẩm: bề mặt bêtông đổi màu do độ ẩm, chạm vào bề mặt bêtông không thấy có nước. Thấm: bề mặt bêtông đổi màu do độ ẩm hoặc nước, chạm vào bề mặt bêtông thấy có nước. Rò rỉ: bề mặt bêtông đổi màu do độ ẩm hoặc nước, sau đó nước sẽ nhỏ giọt xuống dọc theo tường. Đối với tình trạng thấm đốt hầm Thủ Thiêm, đơn vị tư vấn giám sát dự án khẳng định vẫn trong ngưỡng cho phép và không ảnh hưởng đến kết cấu hầm. Ông MaNai cho rằng, tiêu chí thấm dưới 5cc một giờ mỗi m2, hoặc 0,12 lít mỗi ngày trên một m2, dùng cho hầm Thủ Thiêm đã được nhiều công trình ngầm trên thế giới áp dụng. Ví dụ cho đường hầm băng ngang cảng phía Tây HongKong, MRT BangKok, đường hầm cảng Sydney, tiêu chí thiết kế LTA Singapore... |
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress