Sau 4 tháng nộp hồ sơ, chị Vũ Thị Cúc (Hà Nội) mới may mắn được ký hợp đồng mua nhà dành cho người thu nhập thấp. Nhưng đã quá hạn, mà chị vẫn không có đủ tiền để nộp.
Hơn 1 năm qua, hai mẹ con chị vẫn đang phải đi ở nhờ tại nhà một người bạn. Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp đang được thực hiện suốt 2 năm qua, có lẽ, giờ đây chỉ có thể tiếp tục cho chị thêm mơ ước về một chỗ ở ổn định. Với thu nhập ít ỏi mỗi tháng, lại phải nuôi con nhỏ, thì số tiền 870 triệu đồng cho một căn hộ 65 m2 là quá sức đối với chị tại thời điểm hiện nay.
Chị Vũ Thị Cúc chia sẻ: “Không riêng tôi mà nhiều người cũng rất khó khăn khi phải đóng tiền, giá như tôi có thể trả số tiền đó trong vòng 10 năm. Vay người thân thì chỉ được vài chục triệu, còn vay Ngân hàng thì tôi làm gì có tài sản để thế chấp”.
Cũng giống chị Cúc, hàng triệu người thu nhập thấp khác cũng đành từ bỏ mơ ước có một căn nhà vì không đủ tiền. Nói một cách khác, Chương trình An sinh xã hội về nhà ở cho người thu nhập thấp đang không đi vào đúng đối tượng.
Lý giải về điều này, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng, nguyên nhân chính là vì chưa có chính sách cụ thể để người thu nhập thấp tiếp cận được nguồn vốn.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện trưởng Viện Xã hội học: “Đã đến lúc chúng ta đi vào những giải pháp cụ thể, chứ không thể chung chung, ví dụ như các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, ký quỹ, ứng trước các chương trình mà họ tham gia, hoặc thực hiện”.
Đề án lập "Quỹ tiết kiệm nhà ở" vừa được Chính phủ phê duyệt, sẽ được hình thành từ việc tự nguyện đóng góp 1% lương tối thiểu hàng tháng của người lao động. Quỹ được thành lập để giúp cho người thu nhập thấp được dễ dàng vay vốn để mua nhà. Khi góp ý cho Đề án này, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, vẫn cần huy động thêm nhiều nguồn vốn khác, bên cạnh khoản đóng góp tự nguyện.
Tiến sỹ Đặng Hùng Võ: “Ngân sách nhà nước có thể tham gia để phục vụ cho mục tiêu an sinh xã hội. Tiền dự trữ bắt buộc của các NH cũng có thể đóng góp, sau đó lấy lại, hoặc quỹ Bảo hiểm không dùng đến cũng có thể tham gia, có nhiều nguồn có thể huy động để người nghèo có thể mua được nhà”.
Đây không phải là lần đầu tiên một mô hình an sinh xã hội được đưa ra. Dù được hưởng ứng, nhưng thời gian triển khai và tính khả thi của "Quỹ tiết kiệm nhà ở" này mới là điều được trông đợi nhất. Trong thời gian chờ đợi thì mỗi ngày, gia đình chị Cúc, cũng như hàng triệu người lao động khác chỉ biết tiếp tục mơ ước về sự "an cư".
DiaOcOnline.vn - Theo VTV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: