Top

Ứng xử thế nào với nhà giá thấp? (kỳ 4)

Cập nhật 02/04/2009 08:55

Kỳ4: "Chính thị trường sẽ đánh giá chất lượng nhà giá thấp!"

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định với Vietnamnet: "Khi xây nhà giá thấp, các doanh nghiệp phải đăng ký để được hưởng ưu đãi. Doanh nghiệp nào xây không đảm bảo chất lượng sau đó sẽ bị cắt luôn, không được tiếp tục đưa vào danh sách xây dạng nhà này".

"Quyết định bởi cơ chế thị trường, không phải cơ chế kiểm tra!"


* Thưa Thứ trưởng, lúc này rất nhiều người đang chung một tâm tư phân vân về chất lượng nhà giá rẻ - mặt hàng lần đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam, lại dành cho nhóm những người từ trước đến nay ít có cơ hội nghĩ đến việc sở hữu riêng một căn hộ mới tinh, thậm chí lọt giữa các khu khang trang, sang trọng. Xin hỏi liệu người dân có thể yên tâm về chất lượng những căn hộ rẻ đó không?

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: - Với những khu nhà vừa hoàn thành, qua kiểm tra và trực tiếp thị sát, tôi khẳng định về cơ bản là chất lượng tốt. Qua hơn 1 năm nghiệm thu, đưa vào sử dụng - mọi cái vẫn rất nghiêm túc, sạch sẽ...



Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn
Trần Nam (Ảnh: T.A.N).

Cũng có phóng viên hỏi tôi: Bộ Xây dựng có mang máy đi kiểm tra không? Tôi trả lời: Đó không phải việc của Bộ Xây dựng. Trước mắt bây giờ phải chọn được những doanh nghiệp lớn, có uy tín đảm nhận việc này. Sau đó, Luật Xây dựng đã qui định rõ về tư vấn giám sát, đăng ký kiểm định... Đơn vị nào làm sai, không đúng qui định - đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra điểm, hoặc kiểm tra đột xuất trong quá trình xây dựng hay khi tiếp nhận phản ánh của dư luận... chứ không thể đi kiểm tra khắp nơi được. Nếu vậy thì thậm chí phải nghĩ đến việc kiểm tra cả người kiểm tra, bởi chỉ cần người kiểm tra không cương quyết thì lại "OK" luôn, ai biết được?! Tóm lại, theo tôi về vấn đề chất lượng sẽ được sàng lọc bằng cơ chế thị trường chứ không phải bằng cơ chế kiểm tra.

Tất nhiên, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm tra quyết liệt trong lĩnh vực này - song giải pháp tốt nhất là tự dư luận, nhân dân, thị trường, xã hội đánh giá sản phẩm của nhà đầu tư. Doanh nghiệp xây không ra gì, dân tẩy chay không mua, trên cơ sở đó chính quyền cũng không đưa doanh nghiệp ấy vào danh sách được giao xây nhà giá thấp nữa...

Các doanh nghiệp hiện nay phải đăng ký để được hưởng ưu đãi khi xây nhà giá thấp. Doanh nghiệp nào xây không đảm bảo chất lượng sau đó sẽ bị cắt luôn!

* Thêm một vấn đề dư luận đang băn khoăn: Khi Bộ Xây dựng kiến nghị quỹ đất dành xây nhà giá thấp được bố trí trong qui hoạch các dự án phát triển đô thị của địa phương, các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới qui mô từ 5ha trở lên phải đảm bảo dành tối thiểu 10% quỹ đất ở để xây nhà giá thấp và phải được xác định trong qui hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt - thì có bao hàm các dự án phá dỡ, xây mới khu chung cư cũ không?

- Sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ sẽ có thêm hướng dẫn cụ thể, nhưng tôi có thể trả lời ngay là "không" vì tuy cũng là dự án phát triển đô thị nhưng các dự án chung cư cũ thực tế cũng đã, đang lo chỗ ở cho nhiều người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức... hơn nữa lại khá lúng túng về vấn đề tái định cư tại chỗ - nên sẽ được loại trừ.

Nếu các dự án cải tạo khu chung cư cũ đã nhiều vướng mắc như vậy lại phải "chịu" thêm ít nhất 10% quỹ đất xây nhà giá thấp nữa thì tôi cho rằng không khả thi!

"Quan trọng nhất bây giờ là xây được ra nhà!"


* Ông có thể cho biết việc "cắt" 10% quỹ đất ở trong một số dự án để xây nhà giá thấp mà Bộ Xây dựng đang chủ trương có gì khác với những chủ trương từng bị bãi bỏ cũng có động thái "trích" quỹ đất dự án để thực hiện nghĩa vụ tương tự?

- Tôi được biết trước đây, khi một số quỹ đất được điều tiết cho mục tiêu xã hội thì rất nhiều trong số đó không có cơ quan, đơn vị nào tiếp nhận cả, hoặc tiếp nhận mà không triển khai, để cỏ mọc hoang... Nhưng lần này quỹ đất trích ra lập tức có ngay các doanh nghiệp đăng ký triển khai, và triển khai ngay!

Nếu không làm như vậy, những người thu nhập thấp sẽ toàn bị "đẩy" ra các nơi xa xôi, không được hưởng hạ tầng thuận tiện: đường xá, cây xanh, sân chơi... Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang cân nhắc với những khu có giá trị cao (hoặc có đơn giá bán từ bao nhiêu trở lên...) sẽ cho phép chủ đầu tư nộp tiền chênh lệch giữa chi phí và giá bán, thay vì phải cắt ít nhất 10% đất ở. Còn các khu có giá trị dự án, hoặc tổng mức đầu tư, hay suất đầu tư từ bao nhiêu trở xuống... thì xây xen nhà cho người thu nhập thấp vào!

* Trước đây, tại Thủ đô thời bao cấp, Nhà nước cấm tuyệt đối việc chuyển nhượng nhà thuê của Nhà nước nhưng thực tế quỹ nhà này vẫn đã được không ít cá nhân chuyển nhượng cho nhau, dĩ nhiên kèm theo một khoản tiền mà Nhà nước không thể biết. Cuối cùng Nhà nước đành chấp nhận hợp thức hóa việc chuyển nhượng đó. Nay với nhà ở xã hội, dư luận băn khoăn về biện pháp có thể ngăn việc chuyển nhượng dưới nhiều hình thức (nhất là khi chỉ cần trả xong tiền là có sổ đỏ), cũng như có hay không động thái "số hóa" để đảm bảo mỗi cá nhân chỉ được mua nhà giá thấp 1 lần?

- Chúng tôi có tính đến các tình huống đó và trong quá trình làm sẽ giải quyết dần từng việc một. Việc này phải thống nhất quản lý toàn quốc, như ở nhiều nước chỉ cần vào tên cá nhân là biết ngay đã mua nhà giá rẻ ở đâu, thời điểm nào...

Việc quản lý không cho mua - bán loại nhà này cũng như chủ trương chỉ hỗ trợ 1 lần khi đi vào tổ chức thực hiện cũng khá khó vì hiện nay chúng ta đang phân quyền rất mạnh cho địa phương (quyền quyết định, trách nhiệm...).

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay theo tôi là xây được ra nhà, chứ không phải chưa xây đã lo đối tượng, lo phân phối, lo quản lý hay lo chất lượng. Chúng ta có bộ máy, có kinh nghiệm, sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm từng việc một. Không thể cùng một lúc giải quyết nhiều việc trong đó có những vấn đề còn chưa diễn ra!

>Kỳ 3: Nhà giá thấp "tái hiện" nhà tập thể bao cấp?
>Kỳ 2: Có phải chất lượng là điều không đáng lo?
>Kỳ 1: Đô thị trên 5ha phải dành 10% đất xây nhà rẻ?

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet