Top

Nhiều trường hợp tách thửa đất vẫn vướng

Cập nhật 01/04/2009 14:40

Đất ở nằm xen đất vườn chưa biết tách ra sao. Hồ sơ xin tách thửa nộp trước ngày 9-3: Vẫn được xem xét, giải quyết.

Sau một thời gian mong chờ, cuối cùng UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 19 về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa (có hiệu lực từ ngày 9-3) để áp dụng thống nhất trên địa bàn. Các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh và quận vùng ven như Thủ Đức còn rất nhiều thửa đất nông nghiệp diện tích 1.000- 2.000 m2 và đang đô thị hóa mạnh mẽ là những nơi lẽ ra được văn bản này tháo gỡ nhiều nhất. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn lúng túng khi thực hiện Quyết định 19.

Muốn tách thửa: Phải làm hạ tầng nguyên khu đất

Theo Quyết định 19, thửa đất nông nghiệp lớn hơn 1.000-2.000 m2 thì ngoài việc phải chuyển mục đích sử dụng đất hết toàn bộ sang đất ở còn phải lo hạ tầng kỹ thuật mới được tách thửa. Khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu tư và có nghiệm thu của UBND quận, huyện thì mới giải quyết cho tách thửa.

Với các quận nội thành như Tân Phú, quận 8, đầu tư hạ tầng không quá khó khăn do cơ sở hạ tầng đã kết nối đồng bộ, có nhiều thửa đất nông nghiệp ngay mặt tiền đường lớn trong khu dân cư sầm uất. Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Tân Phú, cho biết quận này có nhiều người dân đồng ý tự bỏ tiền ra làm hạ tầng. “UBND phường sẽ kiểm tra việc đầu tư hạ tầng, cấp quận sẽ nghiệm thu. Đối với trường hợp làm đường giao thông thì hướng dẫn người dân liên hệ đơn vị tư vấn...” - bà Khuê nói.

Ngoại thành: Làm hạ tầng không nổi

Tuy nhiên, quy định đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và kết nối, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật hiện hữu mới được tách thửa không hề đơn giản đối với các huyện ngoại thành và quận vùng ven do các thửa đất ruộng lúa, vườn cây nối nhau bạt ngàn. “Phải hướng dẫn về phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật sao cho thật đơn giản chứ nếu phức tạp thì nó chẳng khác gì lập dự án. Dự án thì một năm chỉ xét duyệt vài cái, còn tách thửa thì hàng trăm, hàng ngàn vụ việc. Nếu quả thật thủ tục này khó như làm dự án thì dân làm không nổi mà cán bộ quận, huyện cũng làm không xuể” - một lãnh đạo huyện Hóc Môn nói. Chưa kể coi chừng quy định này trái Luật Đất đai vì trong Luật Đất đai, hồ sơ tách thửa không có khoản “hồ sơ đầu tư hạ tầng kỹ thuật”.

Ông Đặng Văn Thành, Trưởng phòng TN&MT quận Thủ Đức, cho biết Quyết định 19 còn chung chung nên quận chưa rõ cách thực hiện. Ông Thành dẫn chứng theo Quyết định 19, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư và được UBND quận nghiệm thu thì mới được tách thửa. Vậy việc nghiệm thu này các hộ dân có phải liên hệ đơn vị tư vấn để vẽ bản vẽ và việc nghiệm thu mang tính chất kiểm tra hạ tầng hay phải có phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật? Quyết định 19 cũng chưa nêu rõ kết cấu hạ tầng khi tách thửa có hình thành đường giao thông không. Trong khi đó, đường có rất nhiều loại: đường nhựa, đường trải đá, đường có cống thoát nước... UBND quận phải nghiệm thu theo chuẩn đường nào?

Quy hoạch không thực hiện: Có cần xác nhận?


Điều 3 Quyết định 19 có nêu trường hợp thửa đất thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố để chuyển sang mục đích phi nông nghiệp nhưng sau ba năm không thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nếu cơ quan có thẩm quyền chưa điều chỉnh hoặc hủy bỏ thì được tách thửa. Ông Thành thắc mắc bên cạnh quy hoạch sử dụng đất, Quyết định 19 đề cập còn có quy hoạch chi tiết 1/2000, 1/500 mà thẩm quyền thuộc về Sở Quy hoạch-Kiến trúc, bên quản lý đô thị. Nếu chỉ ghi chung là “theo quy hoạch sử dụng đất” thì dù sau ba năm không thực hiện quy hoạch, quận cũng sẽ không dám chấp thuận cho tách thửa. Hơn nữa chuyện “đã ba năm mà quy hoạch chưa được thực hiện” thì có cần nơi nào xác nhận không?

Điều 3 còn cho phép tách thửa dưới chuẩn để hợp với thửa liền kề nhưng diện tích thửa đất còn lại phải lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu được tách thửa. Vậy nếu sau khi nhập thửa đã tách với thửa liền kề mà có diện tích vẫn dưới chuẩn thì có được không? Vấn đề này quận Thủ Đức vẫn chưa rõ.

Đất ở xen đất vườn: Làm sao tách?

“Huyện Củ Chi đang giữ nhiều hồ sơ phân lô bán nền của người dân, chưa giải quyết vì còn đang tính” - ông Nguyễn Thanh Nguyên, Trưởng phòng TN&MT huyện này, cho biết. Ông Nguyên cũng phản ánh Quyết định 19 chỉ nêu các trường hợp đất ở, đất nông nghiệp rạch ròi mà chưa thấy đề cập đến trường hợp cùng một thửa nhưng vừa có đất ở vừa có đất nông nghiệp (ở huyện Củ Chi có rất nhiều).

Ví dụ như thửa đất rộng 400 m2 đất, trong đó có 50 m2 xây nhà, còn lại là vườn cây. Nếu người dân muốn tách thửa để bán thì diện tích đất ở không đủ (tối thiểu phải 80 m2) và diện tích đất nông nghiệp cũng không đủ (tối thiểu phải 500 m2). Nếu buộc người dân phải chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở hết rồi mới cho tách thửa thì nhiều người lo không xuể vì số tiền sử dụng đất phải nộp không phải nhỏ.

Lãnh đạo huyện Hóc Môn cũng cho biết có nhiều trường hợp đủ điều kiện về hạn mức nhưng khi tách thửa thì cũng bó tay vì các điều kiện đi kèm. Chẳng hạn một thửa đất ruộng 1.000 m2, chủ nhà chỉ muốn xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở 200 m2 để làm nhà, còn lại vẫn làm nông nghiệp tiếp. Theo Quyết định 19, trường hợp này phải xin chuyển sang đất ở hết thì mới được tách thửa, mặc dù người dân không có nhu cầu sử dụng đất ở lớn như vậy.

Còn những trường hợp tách thửa dưới chuẩn mà Quyết định 19 giao cho UBND cấp quận quyết định thì đa phần các quận vẫn “run tay”, chưa nhận hồ sơ. “Mới hôm trước, có một người dân đến chỗ tôi dọa nếu không cho tách thửa dưới chuẩn thì sẽ giả bộ tranh chấp rồi nhờ tòa giải quyết để được chia tách đất” - lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Củ Chi kể. Qua tìm hiểu của phóng viên, chỉ có một trường hợp huyện Củ Chi linh động giải quyết là một phụ nữ xin tách thửa để bán đất lấy tiền chữa bệnh cho con.

Hồ sơ xin tách thửa nộp trước ngày 9-3: Vẫn được xem xét, giải quyết

Hôm qua (31-3), Sở TN&MT TP.HCM có công văn 2116 hướng dẫn Quyết định 19 về tách thửa đất. Theo đó, các trường hợp đã nộp hồ sơ tách thửa đầy đủ trước ngày Quyết định 19 có hiệu lực (9-3) thì vẫn được tiếp tục xem xét, giải quyết.

Công văn cũng giải thích “đất có nhà hiện hữu” được hiểu là thửa đất có nhà đã có giấy tờ hợp lệ về nhà đất, được áp dụng hạn mức tách thửa theo tiêu chuẩn của đất có nhà mà không phân biệt thửa đất tách ra có nhà hay không có nhà trên đất. Thẩm quyền quyết định cho tách thửa dưới chuẩn cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc về chủ tịch UBND cấp quận.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP