Top

Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đội vốn khoảng 800 triệu USD

Cập nhật 17/07/2015 09:56

Ngày 17/7 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chuyến đi thị sát 3 địa điểm của công trình xây dựng tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (Tuyến số 1) và làm việc với UBND TP.HCM.

Một mũi lao dầm đang được lắp đặt tại ngã tư Thủ Đức.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông Bùi Xuân Cường – Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (Ban quản lý) cho biết, Tuyến số 1 được chia làm 5 gói thầu và hiện tại đang thi công 3 gói, hai gói còn lại đang chuẩn bị đấu thầu. Dự kiến tuyến này sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2020.

Tại khu vực đúc dầm tại quận 9, Phó thủ tướng đã đi xem mô hình đầu máy toa xe được chế tạo tại Nhật Bản và nghe các ý kiến giải trình về hình dáng, kết cấu. Trong khi đó tại quận 2 ông được báo cáo về việc lắp dầm trên các mũi lao dầm di động được áp dụng lần đầu tại Việt Nam.

Hiện trên Tuyến số 1 có 3 mũi lao dầm tại các vị trí ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức), cầu Rạch Chiếc (quận Thủ Đức) và gần đường Thảo Điền (quận 2), trong đó mũi dầm tại quận 2 đã lắp đặt các dầm bê tông chữ U từ đầu tháng 6. Kết quả ban đầu cho thấy đây là phương pháp lắp đặt nhanh, an toàn và có tính thẩm mỹ cao.

Riêng về khu vực nhà ga ngầm tại Nhà  hát Thành phố, Ban quản lý cho biết nơi đây đã bố trí khoảng 200 điểm quan trắc để phát hiện các biến động về địa chất. Nơi này cũng đã hoàn thành tường vây và cọc chống chủ, hiện đang thi công sàn tạm.

Chỉ đạo vấn đề này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các đơn vị cần đặt an toàn lao động lên hàng đầu và hạn chế ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Ông cũng yêu cầu nhà thầu phải kiểm tra kỹ và chuẩn bị các phương án xử lý khi khu vực này xảy ra sự cố.

Đối với tuyến metro Bến Thành – Tham Lương (Tuyến số 2), theo ông Cường thì hiện dự án đã bị đội vốn khoảng 800 triệu USD (2,1 tỷ USD so với 1,3 tỷ USD ban đầu). Lý do là vì tuyến có bổ sung thêm khối lượng (tăng kích thước nhà ga và mở thêm các tuyến kết nối), bên cạnh một lý do khác là “trượt giá”.

Liên quan đến Tuyến số 2, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng kiến nghị Chính phủ xin phép chỉ phải báo cáo Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh vốn (thay vì phải trình Quốc hội thông qua như hiện nay, vì số vốn đầu tư vượt quá 10 ngàn tỷ) để tiết kiệm thời gian vì sau mỗi năm tổng mức đầu tư lại bị đội lên khoảng 5 đến 7%.

Về vấn đề này Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý về điều chỉnh dự án. Theo ông thì nếu dự án kéo dài đồng nghĩa với việc vốn đầu tư sẽ bị đội lên, từ đó hiệu quả giảm xuống. Triển khai chậm sẽ làm vốn đầu tư có thể tăng từ 100 đến 200%. Metro chỉ giải quyết được vấn đề giảm ùn tắc, tăng năng lực vận chuyển khi hình thành một mạng lưới, do vậy các tuyến được đưa vào sử dụng càng sớm sẽ càng phát huy được hiệu quả đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet