Top

Tư nhân muốn làm đền bù giải tỏa

Cập nhật 07/03/2008 09:00

Một công ty cổ phần tại TP.HCM nộp hồ sơ xin thay mặt nhà nước hoặc nhà đầu tư làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thông tin mới nhất từ UBND TP.HCM là UBND TP vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận việc thành lập công ty làm dịch vụ bồi thường và giải phóng mặt bằng thay cho nhà đầu tư hoặc nhà nước.

Đây là loại hình kinh doanh dịch vụ mới nên ủy ban cũng đề nghị bổ sung mã ngành nghề này vào danh mục ngành nghề nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư đăng ký kinh doanh.

Công uể oải, tư dòm ngó

Sự kiện trên xuất phát từ việc Công ty cổ phần Đức Khải (quận 5) xin thành lập Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa. Từ năm ngoái, công ty đã trình hồ sơ, đề án gửi hết các sở, ngành của TP để xin cơ chế hoạt động.

Theo đề án của công ty thì việc giải phóng mặt bằng hiện chậm chạp, không hiệu quả, chủ yếu do nhà nước bồi thường với giá thấp, người dân không chịu đi. TP phải thực hiện nhiều chương trình, công trình nên cũng thiếu vốn để ứng ra bồi thường ngay cho người dân.

Vì vậy, theo đề án, công ty xin được “tạm giao đất”. Sau đó sẽ tự ứng tiền để thỏa thuận bồi thường cho dân nhằm sớm giải phóng mặt bằng. Giá bồi thường là giá thỏa thuận, có thể cao như giá thị trường. Khi đất đã “sạch” thì công ty sẽ đứng ra đấu giá. Với cách thỏa thuận giá và khả năng ứng tiền bồi thường ngay thì công ty sẽ giúp giải bài toán giải phóng mặt bằng nhanh chóng.

Theo đề án này, vì bồi thường với giá thị trường nên khi đấu giá, công ty sẽ “lời ăn, lỗ chịu”. Nếu lỗ thì công ty tự chịu nhưng nếu lời thì có thể “ăn chia” với nhà nước. Lấn cấn ở đây là tỷ lệ chia như thế nào cho hợp lý nên công ty mới xin TP xem xét cơ chế hoạt động.

“Tư” chỉ được làm dịch vụ

Đề xuất trên của Công ty Đức Khải đã được bàn bạc nhiều lần ở cấp sở ngành lẫn UBND TP. Cuối tháng 2, UBND TP có văn bản như đã nêu trên gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu một số ý kiến về đề xuất này. TP đánh giá đây là “mô hình mới” cần được xem xét.

Tuy nhiên, theo UBND TP không có loại hình “tạm giao đất” nên thành phố không thể chấp nhận yêu cầu của công ty. Trước mắt, công ty chỉ có thể làm dịch vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thay cho nhà đầu tư hoặc nhà nước mà thôi.

Khi được làm dịch vụ thì công ty có thể ký hợp đồng với chủ đầu tư (đơn vị được giao đất) hoặc Trung tâm phát triển quỹ đất TP để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nếu công ty có được ủy quyền đấu giá đất thì giá đấu trúng sẽ thuộc nhà nước chứ không chia “lãi, lỗ”. Đơn vị đấu giá chỉ được trả “công” tổ chức mà thôi.

Quanh chuyện này cũng có ý kiến cho rằng nếu doanh nghiệp được hưởng lợi nhuận từ việc đấu giá đất thì chẳng khác “bán đất” để cá nhân hưởng lợi - là sai luật!

Khó “nuốt”!

TP. HCM hiện có Trung tâm phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) đảm nhận công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông Ngô Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết kinh phí dành cho công tác này là khoảng 2% trên tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trung tâm dùng kinh phí này trang trải cho nhân lực, thuê lao động, sắm máy móc thiết bị...

Thông thường, trung tâm cũng phải “thuê” lại các ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện phụ giúp công tác và trích từ 0,5% đến 1,5% cho các ban này. “Nếu có công ty dịch vụ làm tốt, hoạt động chuyên nghiệp thì trung tâm cũng sẵn sàng thuê lại. Như vậy, công ty dịch vụ giải phóng mặt bằng kia có thể trở thành “đối tác bên B” của trung tâm” - ông Hiếu nói.

Liệu ý tưởng của Công ty Đức Khải và TP.HCM có dễ thực hiện?

Theo “kinh nghiệm chinh chiến”, ông Hiếu cho biết “nói thì dễ chứ “nuốt không trôi” vì cái khó là khó chung về chính sách”. Theo ông Hiếu, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu do chính sách về giá không tiệm cận với lợi ích của người dân. Bồi thường cho người dân theo giá nào là do TP tính toán và quyết định, trung tâm không can thiệp được.

Ví dụ, ở một dự án tại huyện Nhà Bè, giá đất ngoài thị trường có thể đến tám triệu đồng/m2. Nếu bồi thường bảy triệu đồng thì người dân vui vẻ trả đất lại ngay, việc giải phóng mặt bằng sẽ khá nhanh gọn.

Tuy nhiên, do đó là đất nông nghiệp nên nhà nước chỉ bồi thường... 250 ngàn đồng/m2. “Doanh nghiệp muốn làm nhanh bằng cách châm thêm tiền bồi thường thì doanh nghiệp tự bù vào chứ nhà nước không thể trả cao như vậy. Nếu nhà nước có thể thì lâu nay đã bồi thường, giải phóng “rột rột” rồi!” - ông Hiếu phân tích.

Ngoài ra, dịch vụ cũng sẽ bị kẹt vì “yếu cơ”. Các ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện đã quy tụ cả ủy ban, mặt trận, đoàn thể, công an... nhằm giải thích, thuyết phục, vận động người dân, thậm chí có khi phải dùng quyền lực cưỡng chế mà còn “oải lên oải xuống”, bị kiện tụng. “Do đó, một doanh nghiệp đứng ra làm công việc này với “tay không” thì khó trăm bề!” - ông Hiếu chia sẻ.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng:

Ý tưởng thành lập một công ty bồi thường giải phóng mặt bằng là rất hay. Tuy nhiên, theo tôi nên phát triển Trung tâm Phát triển quỹ đất thành một công ty cổ phần để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào việc này. Đã đến lúc nhà nước chỉ nên đóng vai trò người hỗ trợ, điều phối chứ không nên đóng vai người phát triển hay chủ đầu tư.


Theo Pháp Luật TP.HCM