Truyền thông trong những ngày qua tạo khá nhiều dư luận trái chiều về ý kiến "nên để thị trường bất động sản rơi tự do". Nhưng có lẽ ý kiến ít nhiều bị cho là cực đoan này lại phần nào đúng với bản chất của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam hiện nay.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với chiến lược nhà ở, Chính phủ đã có gói kích cầu 30.000 tỷ đồng, giao cho Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại, nhưng chỉ để cho người nghèo được cải thiện nhà ở, vay để mua hoặc thuê nhà. Không chỉ 30.000 tỷ đồng gói tín dụng này, sắp tới, Chính phủ tập trung cho chương trình 167 giai đoạn 2 để giúp trên 500.000 hộ nghèo ở nông thôn cải thiện nhà ở. Bên cạnh đó có thêm gói hỗ trợ cho 70.000 người có công và cho 60.000 người ở Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, những vùng bị thiên tai cải thiện nhà ở. |
Thị trường BĐS chỉ tự điều chỉnh và mức giá chung cũng chỉ giảm thêm khoảng 10 đến 20% nữa là cùng.
Lúc đó, phân khúc nhà trung bình và khá sẽ có nhiều giao dịch, vì người dân đủ khôn ngoan để nhận biết họ không cần chờ giá giảm 50% cho phân khúc này.
Nếu nói nhiều doanh nghiệp BĐS đang khó khăn trong lúc này cũng không đúng, ngoại trừ số ít doanh nghiệp làm ăn chụp giựt, đầu tư tràn lan làm mất vốn, vì nếu thực sự khó khăn thì họ đã giảm giá hơn nữa để tự cứu mình rồi. Nhưng họ không làm vậy, chứng tỏ "sức khỏe" của họ cũng chưa đến nỗi nào.
Gói 5 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra cuối năm 2012 là quá đủ hỗ trợ thị trường, không cần thiết phải tuyên bố cứu BĐS thêm nữa, hãy để thị trường tự điều tiết.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người nghèo mua nhà ở xã hội là cần thiết. Chính phủ nên có một thông điệp rõ ràng rằng đây là số tiền trợ giúp người nghèo mua nhà ở xã hội, chứ tuyệt đối không cứu các doanh nghiệp BĐS yếu kém.
Một khi Chính phủ làm rõ thông điệp này, thì các doanh nghiệp BĐS có lượng hàng tồn kho nhiều, và dư nợ tín dụng cao sẽ phải tìm cách chia nhỏ căn hộ, hạ thấp chuẩn mực "cao cấp" để giảm giá hàng tồn kho xuống để tự cứu mình.
Trong tình thế khủng hoảng của BĐS bây giờ, Chính phủ cần chấp nhận cho một số doanh nghiệp BĐS, một số ngân hàng yếu kém phá sản.
Nếu làm được điều này, Chính phủ sẽ vẫn bảo toàn được nguồn tài lực và thay vì in thêm tiền để cứu BĐS, Chính phủ sẽ dùng nguồn tài chính hữu hạn đó để bảo lãnh cho người dân đang gửi tiền trong các ngân hàng bị phá sản.
Đồng thời, có thể "cứu" những ngân hàng có tiềm năng bị liên lụy trong cuộc thanh lọc của thị trường.
Nên để thị trường BĐS tự điều chỉnh theo quy luật tất yếu của quan hệ cung - cầu. Đây chính là cách để cứu thị trường BĐS, loại bỏ những "cơ thể” yếu kém và làm minh bạch hóa các định chế tài chính, tạo sức mua, tạo niềm tin cho nền kinh tế.
Một khi cung cầu gặp nhau, sức dân sẽ phát huy và thị trường sẽ hồi phục. Đây là cách thị trường sẽ tìm "đúng đáy" nhanh nhất và cũng sẽ phục hồi nhanh nhất.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân Sài Gòn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: