Tuy số liệu nghiên cứu về bất động sản (BĐS) trong hai quý gần đây chưa phản ánh rõ xu thế tăng trưởng, chuyển dịch của thị trường, nhưng "con tàu mới" đã hình thành với cách thức vận hành và quy luật hoàn toàn khác trước, rõ ràng, cụ thể và thực tế hơn.
Đó là những chia sẻ của ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Việt Nam khi trao đổi với phóng viên.
Thị trường BĐS vẫn gặp khó khăn dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ.Ảnh: Yên Chi
|
* Thời gian vừa qua, dư luận "nóng" lên bởi những tranh luận về việc "cứu" hay không "cứu" thị trường BĐS. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thị trường BĐS Việt Nam được ví như một con tàu. Hai năm qua, dù được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định thông qua một số chính sách mới, nhưng nó đã không đáp ứng được mà chệch bánh và dừng lại, khiến thị trường đóng băng. Nhiều người cho rằng, phải cứu và khắc phục con tàu đó bằng mọi cách nhanh nhất, nhưng cũng có ý kiến đề xuất không cứu để nó tự vận động. Tôi đã nhìn thấy "con tàu mới" khi đang xuất hiện người lái, hành khách và cách vận hành hoàn toàn mới. Con tàu này không to, hoành tráng như trước và cũng chưa có nhiều người lên nhưng nó đang vận động, thúc đẩy sự chuyển dịch, tăng trưởng của thị trường, nên không có lý gì lại cứ đi bàn về quá khứ.
* Ông có thể nói rõ hơn về "con tàu mới" này?
- Điều tôi muốn nói ở đây là dạng thức và quy luật vận hành sẽ không như trước, trong đó khách mua hàng rõ ràng hơn, mục đích sử dụng cụ thể hơn, kể cả phân khúc thấp cấp lẫn cao cấp. Khách mua có nhu cầu thực, đến xem xét, đóng tiền mua và vào ở luôn. Hoặc những đối tượng mua sẽ tính toán rất kỹ trong đó có tính đến lợi tức khi sử dụng để kinh doanh. Khi khách hàng đã "khó tính" hơn thì đòi hỏi người bán hàng (các Sàn giao dịch BĐS) thậm chí là các chủ đầu tư phải có thái độ khác, cách làm khác. Nếu trước kia, khi nhà môi giới đưa ra một dự án, nhiều người vào mua ngay dù thông tin về dự án đó rất ít. Bây giờ, người môi giới phải cung cấp cho khách những điểm đặc sắc của dự án, điểm tốt, cạnh tranh hơn so với các dự án khác ở chỗ nào.
* Thời gian vừa qua, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) diễn ra khá sôi động trên thị trường BĐS Việt Nam, ông đánh giá gì về việc này?
M&A được thảo luận khá nhiều, vì mọi người vẫn kỳ vọng đó là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư nước ngoài đã và đang quan tâm tới thị trường BĐS Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Oman, Thụy Sĩ… vẫn rất quan tâm đến thị trường M&A Việt Nam. Nhiều nhất là khách Nhật Bản, Hàn Quốc và đề bài họ đưa ra rất rõ ràng về diện tích, mục đích sử dụng, giấy tờ… Tuy nhiên, các nhà đầu tư này tìm được rất ít dự án đáp ứng được yêu cầu. Thực tế, các nhà đầu tư chuyên nghiệp vào thị trường Việt Nam vẫn muốn hợp tác đầu tư, cái chính là chúng ta có tạo ra được sản phẩm có giá trị gia tăng trên mặt đất hay không để mời họ tham gia đầu tư cùng.
* Với quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều chính sách, giải pháp. Ông có đánh giá gì về tác động và hiệu quả của những giải pháp đó?
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS không nên thảo luận nhiều vì về mặt kỹ thuật, số lượng tiền đưa ra với mục tiêu hỗ trợ thị trường như vậy không đáng bao nhiêu. Quy trình thực hiện cũng mất nhiều thời gian.
Với tốc độ tăng trưởng và khả năng chi trả thì để sở hữu được một căn nhà ngày càng khó. Nên xu thế chuyển dự án đang bán sang cho thuê không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới đã thực hiện. Về mặt định hướng phát triển tương lai, thì đây là bước đi tích cực. Tuy nhiên, cách thức, loại hình chuyển đổi còn là chuyện đáng phải bàn. Các thông tin giải cứu, hỗ trợ rất đáng hoan nghênh, vấn đề là phục vụ như thế nào, có phù hợp và đúng với nhu cầu không, hay lại đang ép khách hàng ăn món không thích. Bên cạnh đó, các tác động chính sách sẽ chưa thể có tác dụng ngay mà thường phải có độ trễ về thời gian, chưa kể các thủ tục hành chính để vận hành còn rất rườm rà.
* Nhiều người cho rằng, đã đến thời điểm mua nhà vì giá giảm xuống "đáy". Ông nghĩ thế nào?
Nếu bạn muốn mua nhà hãy căn cứ vào số tiền mình có để lựa chọn vị trí nhà cần mua. Còn đối với người đang có nhu cầu thực, việc mua nhà của họ là bất kỳ lúc nào chứ không phải chờ thời điểm. Do đó không nên căn cứ vào giá bởi giá thường chịu tác động của cung cầu, nên giảm giá hay chạm "đáy" sẽ do thị trường quyết định.
* Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: