So sánh chỉ là tương đối, tuy nhiên sức hút của đầu tư BĐS hiện đang “nhỉnh” hơn các kênh khác, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.
Bàn về tác động kinh tế vĩ mô đến thị trường động sản trong tương lai gần đồng thời đánh giá lợi thế, rủi ro khi đầu tư vào bất động sản trong bối cảnh thay đổi về chính sách, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định, trong năm 2015, Bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, hơn cả vàng, tiền gửi (đồng Việt Nam và đô la Mỹ) thậm chí kể cả chứng khoán vốn cũng đang khởi sắc.
Đây là một trong nội dung được đưa ra tại buổi Hội nghị Bất động sản 2015 do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư và Báo điện tử Đất Việt tổ chức sáng ngày 12/5 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành tại buổi Hội nghị. Ảnh: Trường Nikon
|
Ngoài chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, buổi hội nghị có có sự tham gia của các đại diện tới từ Ngân hàng HSBC, CBRE Việt Nam, Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners, Công ty Địa ốc Hưng Thịnh và Công ty Quản lý Quỹ Jen Capital.
Đang có nhiều yếu tố thuận lợi với thị trường bất động sản
Trước hết, kinh tế đang từng bước hồi phục, rõ nét nhất là ở ngành công nghiệp chế biến và sức mua của thị trường. Tính tới thời điểm này của năm 2015, sức mua của người tiêu dùng đã tăng 8%, dù chưa bằng thời điểm tăng mạnh nhất vào năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, là trên 10% ,nhưng đây cũng có thể coi là tín hiệu lạc quan của nền kinh tế.
Về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, đã tương đối hoàn chỉnh.Tuyến metro tại thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ, sau khi đi vào hoạt động, tuyến metro này có thể góp phần thay đổi bộ mặt của thành phố. Và dù khoảng 4 đến 5 năm nữa tuyến metro này mới đi vào hoạt động nhưng cũng đã có thể thấy, tại những khu vực có tuyến metro đi qua, thị trường bất động sản đang hết sức sôi động, xét cả về cung lẫn cầu.
Nói tới thị trường, không thể không nhắc tới cầu. Có thể thấy khá rõ, người tiêu dùng hiện nay đã bắt đầu quan tâm trở lại đối với thị trường bất động sản nghĩa là nhu cầu trên thị trường này đang tăng. Theo lời chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thời gian gần đây những lễ mở bán biệt thư, căn hộ của các doanh nghiệp địa ốc thường thu hút được rất đông sự tham gia của người tiêu dùng.
Một trong những phân khúc có thể dự báo được sẽ tăng trưởng mạnh về cầu đó là phân khúc căn hộ cho thuê. Đối tượng khách hàng của phân khúc này có thể gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam có thu nhập khá. Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài, thông qua các hiệp định thương mại tự do kéo theo đó số lượng các chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam, phát sinh nhu cầu thuê nhà. Trong khi đó, những hộ gia đình có thu nhập khá ở Việt Nam hiện nay cũng đang có xu hướng chuyển dịch nơi ở để phù hơn về vị trí địa lý. Một gia đình có thể cho thuê ngôi nhà của mình, để ở nhà thuê để tiện cho công việc hay học hành của con cái.
Một yếu tố khác nữa chính là tín dụng đang tăng cao. Mặc dù đây là yếu tố không phải lúc nào cũng mang lại thuận lợi cho ngành, nhưng với thị trường đang trên đà khởi sắc trở lại, đây cũng là một yếu tố khá quan trọng.
Khả quan hơn các kênh đầu tư khác
Khi đặt kênh đầu tư vào bất động sản lên "bàn cân" với các kênh đầu tư khác xét về yếu tố lợi tức, có thể thấy, ít nhất trong năm 2015, đầu tư vào bất động sản vẫn khả quan hơn cả.
Trước hết là với kênh vàng. Giá vàng thế giới hiện nay đang dao động quanh mức 1.200 USD/ounce trong bối cảnh đồng đô la Mỹ đang lên giá, ông Thành đánh giá, chắc chắn đầu tư vào vàng không phải là kênh hấp dẫn trong năm 2015.
Về kênh đầu tư tiền gửi. Với việc đồng đô la Mỹ đang lên giá, kênh này cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng lãi suất đối với đồng Việt Nam luôn cao hơn lãi suất đối với USD cộng với mức kỳ vọng của tỷ giá. Theo đó về cơ bản, giữ VND vẫn lợi hơn USD. Nhưng lãi suất tiền gửi VND hiện đang không cao, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất thấp hơn 5,5%/năm, mức trần của Ngân hàng nhà nước. Đây hẳn không phải là mức lãi suất hấp dẫn đối với những cá nhân có tiền nhàn rỗi.
Kênh đầu tư chứng khoán được coi là có thể "cạnh tranh" với kênh bất động sản trong năm 2015. Hiện tại, thị trường này cũng đang có nhiều yếu tố thuận lợi, đặc biệt là từ các chính sách của Chính phủ nhằm hồi phục thị trường. Làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chính là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán, mặc dù hoạt động này vẫn đang tồn tại nhiều vướng mắc. Ngoài ra, còn các yếu tốt như đưa vào thị trường phái sinh, kế hoạch của Ủy ban Chứng khoán Việt Nam nhằm nâng cấp thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi (thị trường sẽ trở nên hấp dẫn hơn), nới "room" cho các nhà đầu tư nước ngoài, một trong những cam kết của hội nhập.
Nhưng khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam chính nằm ở dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện không chỉ phải cạnh tranh với Trung Quốc để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ mà còn phải cạnh tranh với chính thị trường Mỹ và các thị trường mới nổi khác.
Vì vậy, theo đánh giá của Tiến sĩ Võ Trí Thành, thị trường chứng khoán cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn nhưng có độ bất định cao hơn thị trường bất động sản.
Vị chuyên gia này kết luận, cơ hội trên thị trường bất động sản là rất lớn tuy nhiên nguy cơ "vỡ bong bóng" cũng không phải là không có (dù hiện nay hầu như chưa có dấu hiệu). Chính phủ hiện cũng đang rất thận trọng trong công tác điều hành thị trường, bởi nếu quá chặt sẽ kìm hãm sự phát triển nhưng ngược lại, nguy cơ "bong bóng" thị trường sẽ rõ ràng hơn. Còn đối với các nhà đầu tư, đề phòng "bong bóng" thị trường là bài học ai cũng nên ghi nhớ.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: