Top

Trung tâm mua sắm nội bao giờ mới mạnh?

Cập nhật 12/12/2015 08:17

Chứng khiến việc một số trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đóng cửa vài năm trở lại đây, nhiều ý kiến cho rằng mô hình bán lẻ này đang dần lâm vào cảnh “chợ chiều”.


Tuy nhiên, theo quan điểm của TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trung tâm mua sắm không hết thời mà hiện ở trong trạng thái cần chuyển mình để đáp ứng yêu cầu của thời đại.

“Ngoại binh”mạnh

Chia sẻ tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2015 với chủ đề “Trung tâm mua sắm và con đường phát triển ở Việt Nam”, TS. Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, nguyên nhân khiến mô hình trung tâm mua sắm chưa thật sự thành công tại Việt Nam chủ yếu đến từ các yếu tố như thói quen tiêu dùng của người Việt Nam chưa thay đổi, ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế.

Bên cạnh đó, nguyên nhân lớn đến từ việc DN chưa có chiến lược marketing đủ mạnh; sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các mô hình bán lẻ khác như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.

Để thoát khỏi khó khăn, các trung tâm mua sắm tại Việt Nam cần tìm một lối đi riêng để phát triển, dựa trên những xu hướng và kinh nghiệm quốc tế. Thành công của những SC VivoCity, Aeon Mall… là các minh chứng cụ thể.

Nói đến câu chuyện về những hình mẫu trung tâm mua sắm thành công tại Việt Nam hiện nay, Aeon Mall có lẽ là cái tên gây nhiều chú ý nhất khi đứng sau hệ thống này là Tập đoàn Aeon, một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài Nhật Bản.

Từng tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2011 với chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop, hợp tác cùng Tập đoàn Trung Nguyên. Tuy nhiên, tham vọng thực sự của Aeon chỉ được thể hiện khi tập đoàn này khởi động các dự án đình đám mang tên Aeon Mall, gồm Aeon Mall Tân Phú Celadon (TP. HCM) và Aeon Mall Canary Bình Dương (đều ra mắt năm 2014), đồng thời thâu tóm số lượng lớn cổ phần để hợp tác cùng 2 hệ thống siêu thị tên tuổi là Citimart và Fivimart.

Với dân số trên 90 triệu dân, trong đó 30% có độ tuổi dưới 30 và 30% là dân số thành thị, các đối tượng có nhu cầu mua sắm cao, cơ hội phát triển cho các trung tâm mua sắm tại Việt Nam khá sáng sủa trong tương lai.
 

Gần đây nhất, Aeon Mall đã đổ bộ đến miền Bắc với dự án Aeon Mall Long Biên, Hà Nội. Theo đại diện tập đoàn này, số lượt khách đến tham quan mua sắm trong ngày khai trương của Aeon Long Biên đạt gần 160.000 lượt.

Trong khi đó, tại TP. HCM, thời gian đầu đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày Aeon Mall Tân Phú Celadon thu hút hơn 30.000 lượt khách đến tham quan mua sắm và lên đến 70.000 lượt vào những ngày cuối tuần.

Ông Yasuo Nishitohge, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, những thành công bước đầu của hệ thống Aeon Mall tại Việt Nam đạt được nhờ chiến lược phát triển hướng tới sự bền vững trong tương lai và đồng hành phát triển cùng địa phương. Theo đó, các trung tâm mua sắm của Aeon thường ưu tiên tổ chức sự kiện, lễ hội đặc trưng của người dân địa phương, tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường…

Về chiến lược xây dựng hình ảnh, trên cơ sở thực hiện tất cả các khâu từ xây dựng cho đến vận hành trung tâm mua sắm, Aeon tạo được các giá trị độc đáo, riêng có. Tập đoàn tìm kiếm, tuyển chọn, mời gọi các khách thuê, thương hiệu tiềm năng hướng đến mục tiêu tạo ra trung tâm mua sắm với nhiều dịch vụ, gian hàng hấp dẫn.

Những tín hiệu lạc quan

Mặc dù đưa ra cảnh báo về khó khăn của thị trường và khuyến nghị các trung tâm mua sắm tại Việt Nam cần phải thay đổi, bà Đinh Thị Mỹ Loan vẫn có cái nhìn lạc quan cho tương lai của mô hình trung tâm mua sắm tại Việt Nam với những lý do như dân số gia tăng, sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu, quá trình đô thị hóa…

Đồng quan điểm này, dẫn số liệu của Công ty Nielsen Việt Nam, bà Châu Ngọc Hạnh, Quản lý Phòng Dịch vụ tư vấn nhà bán lẻ, Công ty Nielsen Việt Nam cho biết, ước tính đến năm 2020, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng gần gấp ba, từ 12 triệu người lên 33 triệu người.

Cũng theo nghiên cứu của Neilsen, tại hầu hết các quốc gia châu Á, quy mô hộ gia đình giảm đi sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong nhu cầu mua sắm, cụ thể số người trung bình trong một hộ gia đình tại châu Á đã giảm từ 4 người vào năm 2000 xuống 3,7 người năm 2015. Thêm vào đó, đô thị hóa cũng góp phần tạo ra xu hướng mua sắm mới, chuyển dịch từ nhãn hiệu thân thuộc với gia đình sang nhãn hiệu cao cấp dành cho các cá nhân.

Theo ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay, Việt Nam nằm trong top 5 và top 10 thị trường bán lẻ tiềm năng ở khu vực châu Á và trên thế giới. Vì vậy, năm 2015, trong bối cảnh hội nhập với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, thị trường bán lẻ Việt Nam có cơ hội phát triển rất lớn.

Với dân số trên 90 triệu dân, trong đó 30% có độ tuổi dưới 30 và 30% là dân số thành thị, các đối tượng có nhu cầu mua sắm cao, cơ hội phát triển cho các trung tâm mua sắm tại Việt Nam khá sáng sủa trong tương lai.    


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán