Những "khu đất vàng" luôn mang đến hiệu quả khai thác cao cho đơn vị phát triển nhưng không phải hễ có "đất đẹp" là công trình sẽ "hóa vàng".
Tòa nhà cao thứ ba tại TP.HCM vẫn loay hoay tìm lối thoát - Ảnh: Quý Hòa
|
15 năm thăng trầm
Khu "đất vàng" Saigon One Tower có diện tích 6.672m2, tại số 34 Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM), gần như là giao điểm 3 đại lộ lớn là Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng và Võ Văn Kiệt.
Tại đây chủ đầu tư được phép xây dựng một tòa tháp đôi gồm 5 tầng hầm và 41 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng vào khoảng 127.126m2 (tính cả hầm khoảng 152.000m2).
Trong đó, 6 tầng khối đế dành cho khu bán lẻ có diện tích 23.000 m2, khu văn phòng hạng A cao 34 tầng có diện tích sàn 49.000m2, còn lại là khu căn hộ với 133 căn.
Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỷ đồng), được phát triển bởi Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C, bao gồm các cổ đông: Công ty CP M&C (49%), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (5%).
Được biết, khu "đất vàng" 34 Tôn Đức Thắng này trước đây do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn quản lý sử dụng, sau đó góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất với một đối tác nước ngoài.
Công ty liên doanh đã đầu tư xây dựng phần móng công trình, sau đó đối tác nước ngoài chuyển nhượng lại phần vốn góp cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (nay là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV - Saigontourist) để thực hiện theo hình thức 100% vốn đầu tư trong nước.
Như vậy, từ thời điểm tháng 10/2001, Saigontourist là chủ đầu tư công trình, kế thừa thời hạn sử dụng đất đến ngày 14/8/2023 và trên khu đất này đã có tài sản là phần móng công trình thuộc quyền sở hữu của Saigontourist.
Để tiếp tục triển khai công trình, UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận chủ trương cho phép tổng công ty này xúc tiến đàm phán với các đối tác (theo hình thức hợp tác giữa các đơn vị trong nước để lập liên doanh mới) đầu tư khai thác mặt bằng khu đất.
Trên cơ sở chủ trương của các cơ quan quản lý, Saigontourist đã tìm kiếm đối tác và thỏa thuận, hợp tác với Công ty CP M&C và các đối tác khác để thành lập Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C vào tháng 3/2004 tiếp tục xây dựng tòa nhà cao thứ ba của Thành phố.
Là công trình được chờ đợi ở khu trung tâm Thành phố, sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào bế tắc. Tính đến thời điểm ngưng thi công cuối năm 2011, ước 80% khối lượng công việc đã hoàn thành.
Những hạng mục công việc còn lại gồm lắp kính phần còn lại bên ngoài tòa nhà, cơ điện (M&E), xây dựng vách ngăn, lát sàn... và cần thêm khoảng 1.000 tỷ đồng nữa.
Ông Trần Hùng Việt - Tổng giám đốc Saigontourist, đơn vị nắm 30% vốn của công trình từng trả lời báo chí rằng có ba lý do khiến Saigon One Tower bất động.
Trước hết là do các cổ đông chưa thu xếp được vốn để tiếp tục xây dựng. Thứ hai, việc ngừng thi công cũng là một cách giãn tiến độ để chờ thị trường hồi phục. Đền bù giải tỏa cũng là một vấn đề mà công trình đang gặp phải.
Vào ngày 2/12 vừa qua, lãnh đạo UBND TP.HCM đã nghe Thanh tra Thành phố báo cáo kết quả thanh tra, xem xét những tranh chấp pháp lý liên quan, đề xuất của các sở - ngành để có phương án nhằm tái khởi động tòa nhà này.
Lý do thanh tra là do công trình liên quan đến những khiếu kiện của cán bộ, nhân viên công ty và các cổ đông góp vốn vào liên danh, chậm giao nhà cho khách hàng...
Trước đó vào tháng 3/2015, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên-Môi trường và Thanh tra Thành phố làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu cam kết tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015.
Nếu quá thời gian nêu trên mà công trình chưa hoàn thành, Sở Xây dựng báo cáo đề xuất trình UBND Thành phố có biện pháp chế tài cụ thể theo đúng quy định pháp luật.
Câu hỏi đặt ra lúc này là năm 2015 sắp kết thúc, chủ đầu tư sẽ huy động được ở đâu thêm 1.000 tỷ đồng nữa để hoàn thiện tòa nhà vào cuối năm nay?
Và có nhà đầu tư nào chấp nhận bỏ ra số tiền hơn 5.000 tỷ đồng (kể cả các khoản vay, lãi vay) lúc này để mua lại công trình và tiếp tục triển khai kinh doanh?
Tìm cách hồi sinh
Không chỉ khu đất 34 Tôn Đức Thắng mà nhiều khu "đất vàng" ở các quận nội thành khác cũng đang chờ ngày tái sinh.
Trong đó có thể kể đến khu phức hợp căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại Richland Hill (mặt tiền đường Lê Văn Việt, Q.9) với vốn đầu tư lên đến hơn 150 triệu USD, khởi động từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn "án binh bất động".
Cũng nằm trong chuỗi thương hiệu "Richland", cùng năm đó, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ Richland Emerald tại số 116 - 117 - 118 Bãi Sậy, Q.6 (gần chợ Bình Tây) cũng được khởi công xây dựng nhưng chỉ xây dựng được phần thô.
Đầu năm 2014, thông qua Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đưa ra đấu giá công trình để thu hồi nợ cho ngân hàng. Đến nay, công trình đã được chuyển cho chủ đầu tư mới là Công ty TNHH Sài Gòn Remax.
Ở khu Nam Sài Gòn, Kenton Residences gồm 9 tòa nhà (trên 1.600 căn hộ) ngay mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, sau 6 năm ngưng thi công và tìm đối tác, hiện, cũng trong giai đoạn điều chỉnh lại diện tích căn hộ để phù hợp với thị trường.
Trong khi đó, ở mặt tiền đường Đào Trí, The EverRich 2 của Công ty CP Bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư cũng có động thái triển khai các block tiếp theo, sau khi bàn giao căn hộ block C (gồm 12 block, cung ứng trên 3.000 căn hộ).
Trao đổi với chúng tôi bền lề hội thảo bất động sản "Theo dấu dòng tiền" ngày 24/11 tại TP.HCM, ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc An Gia Investment, cho biết, DN này sẽ đầu tư vào The EverRich 2 với giá trị khoản đầu tư lên đến 8.000 tỷ đồng, đồng thời sẽ điều chỉnh lại thiết kế căn hộ The EverRich 2 để đưa ra thị trường.
Đây sẽ là công trình quan trọng của DN trong năm 2016. Thực tế, thời điểm này, dù thị trường BĐS mới tái khởi động nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm và tài chính tốt tham gia mua lại cổ phần hoặc toàn bộ các dự án hay công trình có vị trí đắc địa.
Tuy nhiên, để khai thác được, các dự án hay công trình này phải có sự điều chỉnh về diện tích, thiết kế cũng như định giá phù hợp với nhu cầu khách mua.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân SG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: