Top

Trung tâm Hà Nội cũng "trắng" trường học

Cập nhật 16/07/2009 14:55

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng: Sẽ luân chuyển giáo viên để giảm tải các trường "điểm". Ảnh: CC

Người đầu tiên đăng đàn sáng nay (16/7) tại phiên chất vấn của HĐND TP - Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phải trả lời những câu hỏi mỗi lúc một hóc búa hơn của các đại biểu về nạn quá tải trường công và thiếu trường học tại các khu đô thị mới.

Hiện 6 phường thuộc quận Đống Đa và Hai Bà Trưng chưa có trường tiểu học, cá biệt phường Điện Biên còn chưa có cả trường tiểu học, THCS công lập.

Cải tạo chung cư cũ, trường càng quá tải

Ngay ở phần trình bày mở đầu về hiện trạng quá tải ở các trường công, Phó Chủ tịch TP đã bị chủ tọa phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh ngắt lời yêu cầu đi thẳng vào vấn đề.

Bà Hằng cho rằng dân số Hà Nội đã tăng quá nhanh trong khi quỹ đất hạn hẹp, nên giải pháp trước mắt, ví như với 6 phường nội thành chưa có trường mầm non là giao cho các phường giáp ranh nhận số học sinh từ các phường này. Nhìn xa hơn, TP đang xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường học, đồng thời khi di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm thì "ưu tiên số 1 là sử dụng đất để xây trường".

Phó Chủ tịch TP cũng cho hay để giảm tải cho các trường "điểm", Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện luân chuyển giáo viên để có các trường đồng đều về chất lượng và giảm dần số học sinh trái tuyến.

Cho rằng việc nhiều khu đô thị mới dù rất khang trang nhưng không có trường học phục vụ dân là "thực tế khách quan", bà Hằng thừa nhận khuyết điểm của TP là "thiếu kiểm tra, giám sát, chưa có chế tài đủ mạnh" với các chủ đầu tư vốn chỉ tập trung cho nhà ở, công trình thương mại, dịch vụ để sớm thu hồi vốn.

Ngay lập tức, Bí thư quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Ngọc Minh hỏi: "Hà Nội có quy hoạch mạng lưới trường học từ 2003. Nay đã là 2009, TP đã kiểm tra như thế nào? Giải pháp xử lý với các phường chưa có trường mẫu giáo, tiểu học nhưng không còn đất? Bao giờ mới có quy chế bắt buộc tỉ lệ đất dành cho trường học khi xây khu đô thị hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng thành chung cư cao tầng?".

ĐB cao tuổi Ngô Văn Ny không kém phần bức xúc: "Liệu 10 - 15 năm nữa, nội thành hay ngoại thành sẽ thiếu trường hơn, khi các khu tập thể cũ nội thành chỉ cao 5 tầng lại được cải tạo thành 17 - 21 tầng?".

ĐB hay hỏi Bùi Thị An đứng lên: "Với các khu đô thị mới thiếu trường, lỗi do chủ đầu tư hay do người duyệt quy hoạch?".

Trước một loạt chất vấn, Phó Chủ tịch Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho hay TP "đang rà soát" 100 khu đô thị mới để có giải pháp "quyết liệt", hạ tầng kỹ thuật phải đi đôi với hạ tầng xã hội, đồng thời "đang quy hoạch tổng thể" sử dụng đất đai, xây dựng, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên dự báo mức tăng dân số.

Chưa hài lòng, ĐB Bùi Thị An dồn dập hỏi: "Các chủ đầu tư có cam kết tiến độ xây trường hay không? Nếu có, TP có kiểm tra không, vì đi giám sát, chúng tôi thấy bao giờ nhà cũng mọc lên trước, trường thì còn phải chờ. Nếu kiểm tra thì thấy sai, có xử lý không? Bao giờ TP công khai kết quả rà soát cho dân biết?".

Câu trả lời của bà Ngô Thị Thanh Hằng rất ngắn gọn: "Đúng là trong quy hoạch, TP yêu cầu chủ đầu tư phải xây đồng bộ nhà ở và trường học cùng các cơ sở phúc lợi xã hội khác, nhưng đúng là đang rà soát. Tôi không phụ trách lĩnh vực này nên không nắm vấn đề một cách cụ thể".

Thuê lực lượng chuyên nghiệp đi rà soát?

 

ĐB Ngô Văn Ny (đứng): Nếu không có quy hoạch, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn. Ảnh: CC

Dù các lãnh đạo khác của TP đều có mặt tại phiên chất vấn nhưng không ai "chia lửa" với nữ Phó Chủ tịch. Ngồi trên bàn chủ tọa, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Quang Nhuệ từ tốn: "Vấn đề này không phải hôm nay chúng ta mới bàn. Từ giữa 2007, HĐND đã giám sát trực tiếp, UBND TP cũng đã hứa "rà soát". Bộ máy từ TP đến cơ sở đều có đủ, tin học thì nối mạng, "rà soát" có khó lắm không? Nên chăng TP thuê lực lượng chuyên nghiệp đi "rà soát".

Ông Nhuệ cũng thắc mắc không biết UBND TP "có bao giờ đặt lên bàn cân nhu cầu của xã hội để phối hợp điều hành, hay giáo dục cứ làm giáo dục, còn ai duyệt xây nhà cứ duyệt xây".

Bà Ngô Thị Thanh Hằng thừa nhận TP "rà soát chậm" và đã chỉ đạo các quận, huyện làm việc này rồi báo cáo lại với UBND và HĐND TP.

Dù câu trả lời này được Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh cho là "tương đối rõ", song ĐB Ngô Văn Ny chưa thỏa mãn: "Phó Chủ tịch TP trả lời chưa thỏa đáng về việc cải tạo chung cư cũ. Các doanh nghiệp phải thấy lợi nhuận mới làm, nếu TP không có quy hoạch hay cơ chế để đảm bảo xây trường học thì 5 -10 năm nữa, vấn đề sẽ còn nghiêm trọng hơn".

Chủ trì phiên chất vấn chỉ diễn ra trong buổi sáng, bà Doãn Thanh "chốt": Vấn đề này, đề nghị UBND TP trả lời bằng văn bản, đây không phải là lĩnh vực của chị Hằng. Tuy nhiên, bà yêu cầu UBND TP phải đẩy nhanh tiến độ quy hoạch mạng lưới các trường học và ngay trong năm học 2010 - 2011, trẻ em ở 6 phường "trắng" trường mầm non phải được đi học ở ngay phường mình.

Đặc biệt, bà Thanh nhấn mạnh TP phải làm tốt việc dự báo. "Ai cũng biết 2003 là năm dê vàng, từ khi đó chúng ta đã biết 2009 sẽ quá tải số trẻ vào lớp 1 ở hầu hết các trường chứ không chỉ ở trường điểm".

Chủ tịch HĐND TP cũng yêu cầu TP kết thúc việc rà soát hạ tầng xã hội ở các khu đô thị mới ngay trong năm nay, và quan trọng hơn, phải xử lý nghiêm những chủ đầu tư không nghiêm túc thực hiện.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet