Top

Trì trệ trong GPMB đang làm nản lòng nhà đầu tư

Cập nhật 16/07/2012 14:00

Cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến đất đai để hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định giá đất”.

5 -10 năm chưa bồi thường xong đất dự án

Phát biểu tại hội thảo được tổ chức ngày 13/7 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, việc thi hành Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều tiến bộ, chuyển biến mới trong quản lý và sử dụng đất đai phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển KT-XH... Tuy nhiên, bên cạnh đó những chính sách, pháp luật đất đai vẫn còn nhiều bất cập.

Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội đoạn qua Thủ Đức, TP.HCM nhiều đoạn tạm dừng thi công do vướng mặt bằng

Cũng theo ông Hiển, hiện nay tại một số dự án, việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa thỏa đáng đang là nguyên nhân kéo dài thời hạn GPMB, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, trong đó có các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Ngoài ra, tình hình khiếu kiện đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư, đặc biệt là việc định giá khiếu kiện đất để bồi thường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: Công tác bồi thường đất đai cần sát thực tế, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tránh tình trạng khiếu nại, kéo dài dây dưa gây ách tắc, trì trệ cho dân cư thiệt thòi cho doanh nghiệp. Ông Châu cho biết nhiều dự án 5-10 năm chưa bồi thường xong đất...

Đề xuất hướng giải quyết, ông Châu kiến nghị với những dự án đã thỏa thuận bồi thường xong tới 80% nhưng còn 20% không thỏa thuận được thì có thể xác định mức giá trung bình của số diện tích đã đền bù để làm mức giá bồi thường cho số diện tích còn lại. Ông Châu bức xúc: Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản còn gặp nhiều khó khăn khác như: thủ tục hành chính nhiêu khê (trung bình phải mất 3 năm để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong khi ở các nước chỉ mất một tháng); Hệ thống quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng không đồng bộ, chồng chéo nhau...

Việc mất quá nhiều thời gian để GPMB, trình dự án đầu tư và các quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng đã làm nản lòng nhà đầu tư. Điều đó khiến các doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh và phát sinh tăng thêm chi phí quản lý và lãi vay ngân hàng... Trong khi đó, thị trường bất động sản đang sụt giảm mạnh, các chung cư còn tồn kho rất lớn.

Phải có khung giá đất ổn định

Còn ông Nguyễn Văn Đực, PGĐ Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho biết: Nghị định 69 quy định rõ về thuế chuyển mục đích sử dụng đất. Doanh nghiệp sau khi GPMB, đầu tư hạ tầng thì phải đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất sát giá thị trường nhưng chỉ được khấu trừ theo khung giá Nhà nước. Như vậy chẳng khác nào doanh nghiệp phải mua 2 lần, giá đầu vào cao dẫn đến giá các căn hộ cao.

Công trình cầu Suối Cái đang tạm ngừng thi công vì thiếu mặt bằng

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, về cơ chế thu hồi đất chúng ta nên tiếp tục duy trì cơ chế Nhà nước thu hồi đất và nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất như quy định hiện hành. Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Chính phủ nên có khung giá đất cho các tỉnh thành, dựa vào đây các tỉnh thành sẽ ban hành bảng giá đất cụ thể và có giá trị ổn định ít nhất là 5 năm vì nếu cứ căn cứ theo quy định hiện nay thì rất khó khăn vì giá đất thay đổi hàng năm. “Việc xem xét bồi thường cần có một cơ quan trung gian, thẩm định giá bồi thường để làm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân trong quá trình thu hồi, bồi thường đất đai”, bà Hòa cho biết.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan tới các vấn đề như quy định về thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng nước ngoài, việc thu tiền sử dụng đất theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ đang là gánh nặng cho doanh nghiệp, việc phát triển quỹ đất sạch, xử lý khiếu nại về thu hồi đất, lo tái định cư cho người dân bị thu hồi đất...

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản, hàng năm có trên 10.000 vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, chiếm trên 65% tổng số vụ khiếu kiện của người dân gửi đến các cơ quan Nhà nước. Riêng Thanh tra Nhà nước tiếp nhận khoảng 5.000-7.000 đơn khiếu kiện vượt cấp liên quan đến vấn đề này. Điển hình là vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) và gần đây nhất là Trà Nóc (Cần Thơ).

DiaOcOnline.vn - Theo Giao Thông Vận Tải