Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ngày mai (23/2), Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức thảo luận Dự thảo Nghị định về đầu tư phát triển trung hạn, mà nghị định này, khi được đưa vào thực hiện, được cho là sẽ tạo bước chuyển căn bản, minh bạch hơn trong phân bổ vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, xóa bỏ dần cơ chế xin - cho. Và đây cũng chính là một trong những liều thuốc mạnh sẽ được bốc để xử lý không chỉ “căn bệnh” đầu tư dàn trải, mà còn cả những khuyết tật khác trong đầu tư công.
Tất nhiên, sẽ còn nhiều điều phải thảo luận, góp ý cho tới khi nghị định này được thông qua và đưa vào thực hiện. Nhưng với những gì mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đặt ra, với quyết tâm rằng, từ năm 2012, sẽ chỉ đầu tư khi đã xác định đủ vốn; rằng tới đây, vốn sẽ được bố trí theo kế hoạch trung hạn 5 năm liền (trước mắt sẽ bố trí 3 năm), dựa trên nguyên tắc rõ ràng và trên cơ sở quy hoạch định hướng chung của cả nước, có thể kỳ vọng sẽ có bước chuyển quan trọng không chỉ trong phân bổ vốn, mà còn trong nâng cao hiệu quả đầu tư công. Và tới đây, sẽ không có chuyện dự án loay hoay năm nào cũng phải xin vốn, cũng sẽ không thể tồn tại cảnh làm cầu hay làm sân bay mà không làm đường…
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang dự thảo và quyết tâm thực hiện Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cũng như đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó một trong ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư.
Sẽ không thể “làm nên chuyện”, nhất là đối với một công việc đại sự: xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nếu chỉ dựa vào một nghị định. Bởi vậy, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp là điều được nhắc tới. Đầu năm nay, khi ban hành Nghị quyết về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I đã thống nhất rằng, phải nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch; thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng.
Trong những giải pháp này, quy hoạch có thể coi là mấu chốt hàng đầu. Bởi trên thực tế, sự không đồng bộ trong xây dựng hạ tầng ở nhiều địa phương, nhiều khu vực có nguyên nhân chính là do công tác quy hoạch chưa đồng bộ, manh mún, ngành nào lo ngành nấy nên thiếu sự kết nối. Cũng vì quy hoạch kém, lại thêm tâm lý “tư duy nhiệm kỳ”, nên nhiều bộ, ngành, địa phương “mạnh ai nấy làm”, không tính quy hoạch chung với tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch đẹp nhưng vượt xa năng lực của đất nước; đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả... cũng từ đó mà ra.
Giải bài toán này, cần có một cơ quan tham mưu giúp Chính phủ về vấn đề quy hoạch, thẩm định quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Quy hoạch. Đây cũng có thể là cơ quan độc lập thẩm định quy hoạch. Có cơ quan đầu mối thẩm định, sẽ giúp liên kết quy hoạch, tránh chồng chéo, dàn trải, lãng phí. Như vậy, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có trách nhiệm trong việc “bốc thuốc” để trị “bệnh” dàn trải, kém hiệu quả của đầu tư công, là không hề nhỏ.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: