Một căn hộ bán cho nhiều người, dự án thế chấp ngân hàng vẫn mang ra giao dịch, chủ đầu tư bỏ trốn khiến khách hàng bơ vơ... tình trạng này đang nở rộ nhiều nơi.
Người dân bức xúc chủ đầu tư chung cư Gia Phú bán một căn hộ cho nhiều người nhưng đến nay sau mấy năm vẫn chưa được xử lý - ẢNH: ĐÌNH SƠN
|
Một căn hộ bán cho nhiều người
Mới đây, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Long Phụng Residence (Q.Bình Tân, TP.HCM), do Công ty CP địa ốc Bình Tân làm chủ đầu tư, té ngửa khi Ngân hàng Sacombank vào tiếp quản chung cư này. Từ đây các khách hàng mới phát hiện chủ đầu tư đã đem căn hộ của mình bán cho nhiều khách hàng khác. Chị Quên, một khách hàng, cho biết tháng 5.2014 chị ký hợp đồng mua 2 căn hộ ở đây. Theo hợp đồng, chủ đầu tư bàn giao nhà vào tháng 5.2015. Tuy nhiên, đến nay nhà chưa thấy đâu mà chủ đầu tư còn đem 2 căn hộ của chị bán tiếp cho 5 người khác. Tổng số tiền chị Quên đã đóng là 95% giá trị 2 căn hộ, tương đương 2,6 tỉ đồng. Có trường hợp 1 căn hộ bán cho 7 người.
Không chỉ đem toàn bộ dự án cầm cố tại Sacombank, ông Huỳnh Văn Ánh, Giám đốc Công ty CP địa ốc Bình Tân, còn bỏ trốn.
Trước đó, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại chung cư Gia Phú (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cũng rơi vào cảnh khốn khổ tương tự khi chủ đầu tư là Công ty Gia Phú đem 1 căn hộ bán cho 6 người. Năm 2013, chị Hoa mua căn hộ D12-9 diện tích 62 m2 với tổng số tiền là 682 triệu đồng. Khi đã đóng gần hết số tiền theo hợp đồng, chị phát hiện căn hộ này được Công ty Gia Phú bán cho khách hàng Nguyễn Thị Lan Hương từ 2 năm trước đó. Căn hộ C1-11 của bà Lê Mai Anh mua cũng được chủ đầu tư bán cho 5 người khác nhau. Được biết, chủ đầu tư đã đem 31 căn hộ đã bán cho khách hàng bán tiếp cho 39 người khác. Sự việc càng trở nên phức tạp hơn khi mới đây Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển VN (BIDV) có thông báo về việc chọn tổ chức đấu giá tài sản chung cư Gia Phú, với giá 112 tỉ đồng. Công ty Gia Phú đang vay của Ngân hàng BIDV hơn 232 tỉ đồng.
Hàng chục người dân mua nền đất tại dự án Bách Khoa - Chợ Phú Lạc (H.Bình Chánh, TP.HCM) của Công ty Đại Việt cũng tá hỏa khi phát hiện lô đất của mình không chỉ bị chủ đầu tư bán cho người khác mà còn đem thế chấp ngân hàng. Và những người có trách nhiệm của Công ty Đại Việt cũng “lặn” mất tăm.
Đáng lo ngại, hiện nay có nhiều chủ đầu tư đã đem dự án, những căn hộ hình thành trong tương lai thế chấp ngân hàng vay tiền. Điển hình như dự án 584 Tân Kiên (H.Bình Chánh, TP.HCM), chủ đầu tư đã đem thế chấp tại Ngân hàng BIDV. Mới đây ngân hàng này thông báo bán đấu giá để thu hồi nợ. BIDV cũng vừa rao bán khu dân cư căn hộ cao tầng 584 - Lilama SHB Plaza (Q.Gò Vấp, TP.HCM) để thu hồi nợ xấu. Được biết, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Lilama - SHB đã cầm cố 7 quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của dự án khu dân cư nói trên để vay 769 tỉ đồng.
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố hàng loạt dự án chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng khiến khách hàng vô cùng hoang mang.
Luật không nghiêm
Theo một chuyên gia bất động sản, để xảy ra tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản như vừa qua một phần do lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân, một phần do luật pháp không nghiêm. Các doanh nghiệp lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân, cho rằng để xảy ra những trường hợp này trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng và UBND cấp quận, huyện, cơ quan thuế... đã buông lỏng quản lý. Nếu cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ, buộc các chủ đầu tư phải minh bạch thông tin về tiến độ xây dựng, về việc chào bán căn hộ, thông tin về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai thì không thể xảy ra câu chuyện một căn hộ bán cho nhiều người hoặc căn hộ đã bán vẫn tiếp tục đem thế chấp ngân hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phân tích: Để khắc phục tình trạng một số chủ đầu tư kém năng lực, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu lừa đảo, luật Nhà ở năm 2014 đã quy định rất rõ, rất chặt chẽ điều kiện để bán các căn hộ hình thành trong tương lai, chẳng hạn như chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, giấy phép hợp lệ về đất, chung cư phải hoàn thành xong phần móng, phải có bảo lãnh ngân hàng, được Sở Xây dựng cho bán… mới được bán và huy động vốn. Đối với trường hợp chủ đầu tư bỏ trốn, ông Châu khuyên người dân nên khởi kiện chủ đầu tư ra tòa để đảm bảo quyền lợi cho mình. Bởi vì trong trường hợp dự án đã bị thế chấp tại ngân hàng, doanh nghiệp bị phá sản thì khi xử lý tài sản còn lại của doanh nghiệp, theo quy định sẽ ưu tiên giải quyết nộp ngân sách nhà nước, nợ thuế, nợ ngân hàng. Còn đối với khách hàng và chủ thể liên quan phải được thông qua khởi kiện tại tòa, khi đó sẽ được đưa vào danh sách ưu tiên được bảo vệ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm, có thể xử lý hình sự những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: