Top

Trả lại giá trị kinh thành Huế

Cập nhật 05/11/2018 10:15

“Phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư, để họ không phải đi quá xa kinh thành Huế và tiếp tục sinh sống bằng nghề nghiệp cũ”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, về "Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích kinh thành Huế", vào ngày 24-10 tại trụ sở Chính phủ.

Đợt di dân lịch sử

Kinh thành Huế xây dựng thời vua Gia Long và Minh Mạng (1805-1833). Đây là quần thể di tích có giá trị lịch sử, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại từ năm 1993. Đồng thời đây là tài sản văn hóa vô giá của quốc gia, hiện còn lưu giữ khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện… nên cần được bảo tồn, tôn tạo.

"Về nguồn kinh phí trên tinh thần xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Thừa Thiên - Huế và các bộ, ngành liên quan để tính toán cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh. Về khung chính sách chủ trương tạo thuận lợi cho Thừa Thiên - Huế."

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Song ngoài việc xuống cấp theo thời gian do những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, di tích kinh thành Huế còn bị tác động làm hư hại bởi yếu tố con người do chiến tranh và quá trình hình thành các khu vực dân cư sống ngay trên di tích. Trong đó, khu vực 1 của di tích gồm kinh thành, hộ thành hào, eo bầu và thành xung quanh, do quá trình lịch sử di dân từ vùng nông thôn vào thành thị giai đoạn 1945-1975 và gia tăng dân số tự nhiên, nên hiện có khoảng 4.200 hộ đang sinh sống.

Thực trạng này đã gây mất mỹ quan, diện mạo đô thị và ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, cảnh quan di sản Huế... Quan trọng hơn, việc quá nhiều hộ dân sống trên di tích đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ kế hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

Bờ tường kinh thành Huế hầu hết bị người dân lấn chiếm xây nhà bất hợp pháp từ sau 1975.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết để trả lại mặt bằng cho Di sản Huế, địa phương đã từng bước di dời dân cư để trả lại mặt bằng, nguyên trạng di tích. Cụ thể, giai đoạn 1996-2018 đã có 1.050 hộ dân tại các khu vực di tích 2 bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng Thành, Eo bầu phía Nam kinh thành... đã được di dời. Song sự gia tăng dân số tự nhiên, đang tạo áp lực lớn lên các khu vực di tích còn lại chưa được di chuyển dân cư. Do vậy, yêu cầu cấp bách của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và cũng để người dân được an cư, tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai lập đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích cố đô Huế”. Đây được xem là đợt di dân lớn nhất trong lịch sử xây dựng và bảo tồn kinh thành Huế.

Huy động nhiều nguồn lực

Buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng một số bộ, ngành liên quan xoay quanh đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích kinh thành Huế cuối tháng 10 vừa qua, được người dân đang sống trong khu vực di sản Huế đồng thuận.

Những hộ dân đang sống trong những túp lều trên kinh thành Huế.

"Nghe tin Thủ tướng đồng ý kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc Trung ương hỗ trợ vốn, cho phép áp dụng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đặc thù cũng như một số đề xuất khác, tôi mừng lắm. Mong chính quyền làm sớm cho dân đỡ cực. Đó là mong ước từ nhiều đời nay của các bà con chúng tôi đang sống tạm bợ trên di tích Huế” - cụ Nguyễn Thị Gái, 72 tuổi, phường Thuận Lộc, TP Huế - một trong những người lên sinh sống đầu tiên trên Thượng Thành (khu vực 1 kinh thành Huế) bày tỏ. Gia đình cụ Gái hiện có 3 thế hệ sinh sống tại đây. Do nằm trong vùng I bảo vệ di tích kinh thành Huế, nên chỗ ở của gia đình cụ không được phép cơi nới, xây dựng kiên cố. Mỗi khi xảy ra bão lũ, gia đình cụ Gái và các hộ dân sinh sống trên tường thành lại tay xách nách mang bồng đi ở nhờ.

Chia sẻ của cụ Gái cũng là nỗi niềm của những người dân đang phải sống tạm bợ tại khu vực 1 di tích kinh thành Huế. Hàng chục năm nay, do phải sống trong khu vực 1 di tích nên nhà cửa của họ đều không được nâng cấp, tu sửa. Cùng với diện tích sống chật hẹp, địa hình dốc hẹp, đi lại khó khăn, người dân trong khu vực nghèo khó sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện về vệ sinh, môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Đặc biệt, hầu hết hộ dân sống tại đây không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ, nên theo quy định hiện hành không được bồi thường. Mặt khác, không ít hộ dân vì quá nghèo nên nếu được cấp đất cũng không có tiền xây nhà.

Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc bảo vệ di tích kinh thành Huế, di sản văn hóa thế giới, là di sản quốc gia đặc biệt, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của Thừa Thiên - Huế. Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo tập trung di dời dân cư trong khu vực 1 với 2.938 hộ chưa di dời. Song Thủ tướng lưu ý Thừa Thiên - Huế phải dành đất đai có vị trí thuận lợi cho người dân tái định cư, để họ không phải đi quá xa kinh thành Huế và tiếp tục sinh sống bằng nghề nghiệp cũ.

Giai đoạn 2019-2025, di dời 4.200 hộ dân ra khỏi di tích, với tổng kinh phí khoảng 2.735 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2019-2021) di dời 2.938 hộ, kinh phí 1.880 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (2022-2025) di dời 1.263 hộ, kinh phí khoảng 855 tỷ đồng. Tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí di dời giải phóng mặt bằng cả 2 giai đoạn 2.735 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư xây dựng khu tái định cư giai đoạn 1 khoảng 946 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 416 tỷ đồng, trích ngân sách địa phương từ nguồn thu bán vé tham quan di tích, dịch vụ du lịch và các nguồn huy động khác.

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC