Top

VCCI: 8 lý do nhà đầu tư nên chọn ĐBSCL

Cập nhật 04/11/2018 10:53

Có nhiều lý do để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là từ Nhật Bản dành sự quan tâm đầu tư vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua. Thế nhưng, hiện có tám lý do cơ bản để các doanh nghiệp, nhà đầu tư mới dành sự quan tâm đến khu vực này.

Hạ tầng, logistics hoàn chỉnh cũng là lý do để nhà đầu tư chọn đến ĐBSCL đầu tư. Trong ảnh là tàu container cập cảng Tân Cảng Cái Cui (Cần Thơ). Ảnh: Trung Chánh

Tại diễn đàn “Hợp tác kinh doanh Nhật Bản- Mekong” diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào hôm nay, 3-11, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho rằng, khi nói đến ĐBSCL, có tám lý do các doanh nghiệp, nhà đầu tư nên chọn khu vực này để đầu tư.

Thứ nhất, khu vực ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mà cụ thể trong nhiều năm liên tục luôn tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. “Với định hướng của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, thì khu vực ĐBSCL luôn định hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững”, ông cho biết.

Thứ hai, có môi trường đầu tư thuận lợi. Ông Lam dẫn chứng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) do VCCI đánh giá hàng năm, thì ĐBSCL là khu vực tốt nhất trong 6 vùng cả nước. Đặc biệt, với 63 tỉnh, thành của Việt Nam, thì ĐBSCL có 5 địa phương nằm top 10 và còn lại nằm top khá và tốt. “Điều này cho thấy, nơi đây có những điều kiện thuận lợi nhất trong điều hành chính quyền địa phương”, ông cho biết và thông tin thêm rằng chỉ số gia nhập thị trường của ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện. So với TPHCM và Hà Nội, thì ĐBSCL chưa phát triển bằng, nhưng với hạ tầng hiện được tập trung đầu tư, thì ĐBSCL có đủ các điều kiện đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư, đặc biệt ở trung tâm Cần Thơ, có sân bay, bến cảng và hệ thống logistics đang được xây dựng.

Theo ông Lam, trong quy hoạch, ĐBSCL có 74 khu công nghiệp và hiện có 45 khu đang hoạt đông với tỷ lệ cho thuê đang lấp đầy chiếm 60-70%.

Thứ tư, ĐBSCL có thị trường rộng lớn với 18 triệu dân; thu nhập bình quân đầu người có tỷ lệ gia tăng rất cao, đặc biệt chỉ số bán lẻ của riêng Cần Thơ hiện đứng nhóm đầu cả nước cho thấy sức mua của người dân ĐBSCL rất lớn, mà thực tế sức mua của Cần Thơ chỉ đứng sau TPHCM và Hà Nội.

Thứ năm, khu vực ĐBSCL có 18 triệu dân, nhưng có trên 11 triệu người trong độ tuổi lao động, tức lực lượng lao động khu vực này rất lớn; chi phí lao động rẻ hơn nhiều so với những đô thị khác.

Thứ sáu, ĐBSCL là vùng nông sản chế biến và thủy sản lớn nhất của Việt Nam. “Đây là điều kiện mang lại cơ hội rất lớn, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế  biến nông, thủy sản”, ông nhấn mạnh.

Thứ bảy, có nhiều lĩnh vực đầu tư mới tiềm năng được phát triển hiệu quả, mà cụ thể là ứng dụng ICT vào nông nghiệp; logistics, điện gió, bất động sản và du lịch cũng là lợi thế lớn ở ĐBSCL.

Cuối cùng, khi nói đến biến đổi khí hậu, thường nghĩ đến việc ảnh hưởng đến ĐBSCL. Nhưng, khi nhìn ở góc độ khác, thì đây là cơ hội mới cho các nhà đầu tư khai thác, chẳng hạn, như xây dựng hạ tầng, năng lượng tái tạo và các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, khi nhìn ở một góc độ nào đó phải thừa nhận rằng, doanh nghiệp, nhà đầu tư bỏ vốn vào khu vực này vẫn thật sự còn hạn chế. Chẳng hạn, tính đến tháng 10-2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Nhật vào ĐBSCL chỉ đạt trên 2,2 tỉ đô la Mỹ (169 dự án), chiếm 10,5% tổng vốn FDI vào ĐBSCL.

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật bản (JETRO) tại TPHCM dẫn khảo sát của đơn vị này cho biết, có đến 70% doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam mong muốn được mở rộng đầu tư.

Theo ông Takimoto Koji, hiện có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất về Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung do chi phí nhân công cạnh tranh hơn so với các khu vực khác.

Ông Lam đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp mới của Nhật chậm đầu tư vào ĐBSCL? Ông Noboru Kondo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Brain Works Asia cho rằng có nhiều lý do khác nhau. “Ví dụ, với doanh nghiệp lớn, nếu không nhìn thấy đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận, thì họ sẽ không đầu tư. Còn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ cũng muốn phát triển doanh lớn hơn, nhưng không có nhiều vốn để mang đi đầu tư”, ông cho biết.

Theo ông, có một lý do nữa, đó là đặc trưng của người Nhật trước khi quyết định đầu, thì phải có mối quan thân thiết trước. “Ngoài TPHCM và Hà Nội, chúng tôi chưa nhìn thấy nhiều thị trường ở các tỉnh, thành khác”, ông giải thích thêm.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG