Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận vào ngày 5/10 tại Atlanta, Mỹ sau hơn 5 năm đàm phán giữa các quốc gia Hoa Kỳ, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Úc, Brunei, Chile, Mexico, Peru và Canada.
TPP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử, giúp giảm thiểu hàng rào thuế quan và các hình thức khác của chủ nghĩa bảo hộ của các nước tham gia. 12 nước trên chiếm khoảng 40% GDP nền kinh tế thế giới và sản lượng kinh tế ước tính đạt gần 30 tỷ USD.
Hiệu quả chung cho các nền kinh tế
Bộ trưởng thương mại các nước tham gia TPP đã dự báo hiệp định này sẽ là một mô hình cho các hiệp định thương mại trong tương lai và góp phần cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các nước và các công ty nước ngoài.
Các nhà đàm phán cho biết họ cũng sẽ thực thi các tiêu chuẩn cao hơn đối với các điều kiện lao động và bảo vệ môi trường, bao gồm cả việc bảo vệ động vật hoang dã và bài trừ nạn buôn người.
Thỏa thuận này vẫn phải được phê chuẩn bởi các nhà lập pháp ở 12 quốc gia trước khi nó có hiệu lực chính thức. Tổng thống Barack Obama có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc tranh luận và phản đối gay gắt để bảo đảm việc phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Theo giới quan sát quốc tế, cần có thời gian để mọi người thấy được lợi ích của Hiệp định, ít nhất là tại Mỹ.
Những người chỉ trích thỏa thuận này tin rằng nó sẽ làm giảm số lượng việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ, giảm các tiêu chuẩn về môi trường và nâng cao giá thuốc tại các 12 quốc gia.
Nhu cầu về bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng
|
Tuy nhiên, không thể phủ nhận các mặt tích cực của Hiệp định mà Việt Nam được cho là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Một báo cáo được công bố bởi tập đoàn Eurasia cho thấy GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 11% và xuất khẩu 28% vào năm 2025 khi các công ty chuyển cơ sở sản xuất của họ vào Việt Nam để tận dụng lợi thế giá nhân công thấp.
Trong 9 tháng đầu năm 2015 tại Việt Nam, tổng FDI đạt 17,15 tỷ USD , tăng 53,4% so với cùng kỳ năm trước; FDI giải ngân ước tính đã đạt 9,64 tỷ USD. GDP trong 9 tháng đầu năm 2015 ước tính đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, với mức tăng trưởng trong quý III đạt 6,81%, mức cao nhất trong 5 năm qua. Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp, chỉ tăng 2,15% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là những con số rất tích cực và ngay trong bối cảnh Chính phủ đã và đang có những cam kết mở cửa nền kinh tế và quy định nới room cho các nhà đầu tư để đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, do doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 1/3 GDP của Việt Nam và vì hoạt động không hiệu quả đã kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế và làm tăng nợ quốc gia.
Loại bỏ dần các mức thuế cao sẽ là cuộc chơi "được – mất" đối với các ngành công nghiệp trong nước trong việc nâng vị thế cạnh tranh so với các công ty nước ngoài, điều này buộc họ phải làm việc hiệu quả hơn và từ đó mang lại hiệu quả cho cả nền kinh tế.
Tích cực với BĐS công nghiệp
Theo ông Jonathan Tizzard – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu – Định giá Cushman & Wakefield, hiện chưa thể đánh giá chính xác những dự đoán trước đây của mọi người về tác động của TPP đối với Việt Nam, nhưng với TPP mới đạt được thỏa thuận ngày 5/10/2015 vừa qua, những lợi ích sẽ tiếp tục được nhắc đến trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quỹ đạo đi lên.
"Ngày càng có nhiều khách thuê công nghiệp sẽ đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP cùng với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia, do đó nhu cầu về bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng. Số lượng người dân có khả năng mua nhà ở, căn hộ đắt tiền sẽ tăng lên, chưa kể đến nhu cầu mua sắm và các hạng mục liên quan khác mà các chuyên gia nước ngoài và người dân có thu nhập cao hơn sẽ quan tâm", ông Jonathan Tizzard nhận định.
Cũng theo vị này, nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng khi các Tập đoàn công nghiệp tìm kiếm không gian văn phòng tại trung tâm thành phố. Tốc độ đô thị hoá tại các thành phố lớn và nhỏ sẽ tiếp tục khiến người lao động nông nghiệp tìm đến các khu công nghiệp để làm việc.
"Ngoài ra, ngành logistic tiếp tục phát triển trong những thập kỷ tới tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện phát triển đồng bộ cho cơ sở hạ tầng như: đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay. Cơ hội luôn đi kèm thách thức, thách thức lớn nhất là mục tiêu công bằng xã hội, trong đó lợi ích cho người dân phải được quan tâm hàng đầu. Thách thức thứ hai là mục tiêu hiện đại hóa đất nước phải đi kèm với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững", ông Jonathan Tizzard dự báo.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: