Trước sự kiện Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận thành công vào ngày hôm qua 5/10/2015 tại Atlanta (Mỹ), Ông Jonathan Tizzard – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Định giá của hãng tư vấn Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định rằng hiệp định này sẽ có những tác động tích cực đến Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Ông Jonathan Tizzard cho rằng, thật khó để đánh giá chính xác những dự đoán trước đây của mọi người về tác động của TPP đối với Việt Nam, nhưng với TPP mới đạt được thỏa thuận ngày 5/10/2015 vừa qua thì những lợi ích sẽ tiếp tục được nhắc đến trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quỹ đạo đi lên.
Ảnh minh họa.
|
Theo đó, ngày càng có nhiều khách thuê công nghiệp sẽ đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP cùng với các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã và đang tham gia, do đó nhu cầu về bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Số lượng người dân có khả năng mua nhà ở, căn hộ đắt tiền sẽ tăng lên, chưa kể đến nhu cầu mua sắm và các hạng mục liên quan khác mà các chuyên gia nước ngoài và người dân có thu nhập cao hơn sẽ quan tâm.
Nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng khi các Tập đoàn công nghiệp tìm kiếm không gian văn phòng tại trung tâm thành phố. Tốc độ đô thị hoá tại các thành phố lớn và nhỏ sẽ tiếp tục khiến người lao động nông nghiệp tìm đến các khu công nghiệp để làm việc. Ngoài ra, ngành logistic tiếp tục phát triển trong những thập kỷ tới tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện phát triển đồng bộ cho cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay.
Tuy nhiên, ông Jonathan cũng cho rằng cơ hội luôn đi kèm thách thức, thách thức lớn nhất là mục tiêu công bằng xã hội, trong đó lợi ích cho người dân phải được quan tâm hàng đầu. Thách thức thứ hai là mục tiêu hiện đại hóa đất nước phải đi kèm với việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
TPP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử, giúp giảm thiểu hàng rào thuế quan và các hình thức khác của chủ nghĩa bảo hộ của các nước tham gia gồm: Hoa Kỳ, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Úc, Brunei, Chile, Mexico, Peru và Canada.
12 nước trên chiếm khoảng 40% GDP nền kinh tế thế giới và ước tính bổ sung cho GDP thế giới gần 300 tỉ USD mỗi năm. Bộ trưởng thương mại các nước tham gia TPP đã dự báo hiệp định này sẽ là một mô hình cho các hiệp định thương mại trong tương lai và góp phần cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các nước và các công ty nước ngoài. Các nhà đàm phán cho biết họ cũng sẽ thực thi các tiêu chuẩn cao hơn đối với các điều kiện lao động và bảo vệ môi trường, bao gồm cả việc bảo vệ động vật hoang dã và bài trừ nạn buôn người.
Thỏa thuận này vẫn phải được phê chuẩn bởi các nhà lập pháp ở 12 quốc gia trước khi có hiệu lực chính thức.
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: