Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chỉ đạo UBND TPHCM xem xét, sớm đưa Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi) tiếp tục đi vào hoạt động, như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Một góc Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TPHCM). Ảnh: C.H
|
Như vậy, sau gần 4 năm đóng cửa bãi rác Phước Hiệp gây nhiều tranh cãi, TPHCM phải... mở cửa lại bãi rác này.
Một bãi rác đầy long đong
Ra đời trước bãi rác Đa Phước, bãi rác Phước Hiệp đã thực hiện “sứ mệnh” xử lý gần 13 triệu tấn rác trong suốt giai đoạn 2001 - 2014. Trong 4 bãi chôn lấp thuộc bãi rác Phước Hiệp, bãi chôn lấp số 3 được Cty TNHH MTV Môi trường - Đô thị (Cty MTĐT) đầu tư từ năm 2007, với kinh phí dự kiến khoảng 900 tỉ đồng.
Từ năm 2013, bãi chôn lấp số 3 đã tiếp nhận xử lý 2.000 tấn rác/ngày. Lẽ ra, việc xử lý này phải kéo dài 9 năm như dự án đã thiết kết, bất ngờ, vào tháng 2.2014, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín lúc bấy giờ đã chỉ đạo đóng cửa. Toàn bộ số lượng 2.000 tấn rác/ngày phải chuyển về bãi rác Đa Phước, giao Cty TNHH xử lý chất thải rắn VN (VWS) xử lý, nâng tổng số rác mà TPHCM giao cho VWS xử lý lên hơn 5.000 tấn/ngày.
Ngay thời điểm đó, rất nhiều ý kiến trái chiều đã không đồng tình việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3. Đặc biệt, các cơ quan đã cảnh báo: Nếu việc đóng cửa trên diễn ra, ngân sách thành phố phải hoàn trả khoản tiền gần 900 tỉ đồng cho Cty MTĐT và mỗi năm phải tốn thêm chi phí bảo dưỡng, duy tu trên 20 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, việc đóng cửa còn để lại hậu quả là 300 công nhân Cty MTĐT rơi vào cảnh thất nghiệp. Ngoài ra, nếu không hoàn thiện bãi chôn lấp số 3, dẫn tới không hoàn thiện được bãi rác dự phòng sẽ gây lãng phí cho ngân sách trên 1.000 tỉ đồng (gồm 600 tỉ đồng đã đầu tư dang dở không sử dụng được và 400 tỉ đồng dự kiến bồi thường cho nhà đầu tư Hàn Quốc).
Tuy nhiên, mọi cảnh báo trên không tác dụng; từ đầu năm 2015 đến nay, UBND TPHCM đã buộc bãi rác Phước Hiệp phải chuyển 2.000 tấn rác/ngày về khu Đa Phước, giao VWS xử lý.
Bên trọng, bên khinh?
Mặc dù Thanh tra Chính phủ cho rằng, chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp rác số 3 là phù hợp thực tế”, nhưng Thanh tra Chính phủ cũng kết luận: “Việc đóng cửa bãi rác Phước Hiệp là chưa đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Thật vậy, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030. Theo đó, bãi rác Phước Hiệp là cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh, với quy mô 690ha, công suất xử lý 8.000 tấn/ngày.
Trong khi đó, bãi rác Đa Phước chỉ là địa điểm xử lý rác của TPHCM. Bãi rác Phước Hiệp bị đóng cửa và hậu quả là không còn khu xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một chuyên gia về môi trường nói: “Ngay từ năm 2014, khi UBND TPHCM rục rịch đóng cửa bãi rác Phước Hiệp, chuyển 2.000 tấn rác/ngày về cho VWS xử lý, không ai khác là Sở TNMT - cơ quan tham mưu chính - đã đưa ra phương án kéo dài lộ trình. Đó là bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp vẫn tiếp nhận xử lý 2.000 tấn/ngày, cho đến khi kết thúc dự án (9 năm). Đến khi khu xử lý rác Tân Thành (Long An) hoàn tất, đi vào hoạt động thì khối lượng rác này sẽ chuyển về Long An.
Từ năm 2015 trở đi, số lượng rác gia tăng hàng năm sẽ chuyển cho VWS, khi tổng số lượng rác của TPHCM tăng trên 7.600 tấn/ngày. Song, UBND TPHCM vẫn kiên quyết đóng cửa. Hệ quả như mọi người đã thấy, hàng trăm công nhân Cty MTĐT đã không còn việc làm ở khu Phước Hiệp nữa, ngân sách cũng phải tốn kém không ít cho việc khắc phục công việc đầu tư dang dở”.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TPHCM “xem xét lại, xử lý các vấn đề tồn tại để sớm đưa Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp tiếp tục đi vào hoạt động, đảm bảo theo quy hoạch được duyệt”.
Vấn đề đặt ra ở đây, ai phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trong việc đóng cửa bãi rác Phước Hiệp, dẫn tới bao hệ luỵ trong suốt gần 4 năm qua? Ai phải chịu trách nhiệm về việc làm trái quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, xóa bỏ vai trò khu xử lý rác cấp vùng liên tỉnh của bãi rác Phước Hiệp; để rồi ưu tiên, nâng vai trò của bãi rác cấp địa phương là Khu xử lý rác Đa Phước?
Sau gần 4 năm chuyển 2.000 tấn rác/ngày về cho bãi rác Đa Phước, nay sắp phải chuyển 2.000 tấn rác/ngày trở lại cho bãi rác Phước Hiệp xử lý, nghĩa là trở lại vạch xuất phát lúc đầu và chắc chắn TPHCM sẽ còn phải làm rất nhiều việc với các bên liên quan. Thế mới biết, một chính quyền nếu biết lắng nghe và cân nhắc trước khi quyết định sẽ tránh được những sai sót không đáng xảy ra. Một khi những tiếng nói, lời cảnh báo bị bỏ ngoài tai, sẽ dẫn tới không ít hậu quả, mà câu chuyện trắc trở của bãi rác Phước Hiệp là 1 thí dụ nhãn tiền.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: