Top

TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp sử dụng đất công trái pháp luật

Cập nhật 17/10/2018 08:38

Đơn cử, theo Thanh tra Chính phủ, việc Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tham gia dự án khu đất tại số 8-12 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM, không qua đấu thầu... là trái pháp luật.

"Điểm mặt" nhiều dự án sai phạm

Khu đất số 8-12 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM, do Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM quản lý. Công ty này ký hợp đồng cho thuê nhà, đất đối với 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

Khu “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn (Q.1) hiện đang được tận dụng làm bãi giữ xe ôtô (Ảnh: NN).

Thực hiện phương án sắp xếp các mặt bằng nhà, đất, UBND TP.HCM chủ trương sử dụng khu đất này để xây khách sạn 5 sao. Đồng thời lập công ty cổ phần thực hiện dự án với tỷ lệ góp vốn giữa Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM và 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo tỉ lệ vốn góp 50/50.

Trên cơ sở đó, 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương với tư cách là cổ đông lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue. Hai bên ký thỏa thuận nguyên tắc và đồng ý chuyển nhượng quyền đầu tư dự án cho Công ty TNHH Đầu tư Kido.

Đến tháng 6/2011, UBND TP cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng gần 4.900m2 tại số 8-12 Lê Duẩn làm dự án khách sạn 5 sao với giá trị gần 650 tỷ đồng.

Trong quá trình làm dự án, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm có văn bản gửi Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP đề nghị được hợp tác đầu tư dự án và được UBND TP cho phép...

Một dự án khác là Khu du lịch sân Golf Sài Gòn tại Nông trường Dừa (P. Long Trường, Q. 9). Theo đó, năm 2004, UBND TP.HCM giao Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) làm chủ đầu tư Khu du lịch sân Golf Sài Gòn tại Nông trường Dừa.

Từ đất nông trường, 156ha Vườn Dừa được chuyển đổi thành đất dự án Khu du lịch sinh thái và sân Golf. Thế nhưng, hơn 14 năm trôi qua, dự án khu dân cư Nông trường Dừa vẫn... chưa được triển khai. Bên cạnh đó, 156ha đất Nông trường Dừa đã xảy ra tình trạng cá nhân mua đất nông nghiệp, phân lô tách thửa để kinh doanh đất nền...

Theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều sai phạm đất đai liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước gồm Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri) cũng được cơ quan chức năng chỉ rõ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, các công ty thành viên thuộc Sagri hạch toán thiếu tiền thuê đất phải nộp của 3 khu đất. Quản lý, sử dụng nhưng chưa có hợp đồng thuê đất hơn 511ha. Hạch toán chi phí khoản chênh lệch tỷ giá cao hơn thực tế; giao khoán đất sản xuất sai đối tượng. Giao đất vượt định mức, có một số diện tích cho mượn đang bị lấn chiếm, tranh chấp, thậm chí chưa thu hồi được.

Đặc biệt, Sagri và Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu Nông lâm hải sản ký 10 hợp đồng góp vốn, thành lập pháp nhân để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất với diện tích 1.919ha cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri (thuộc Tập đoàn Trung Thuỷ, diện tích 140ha) khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM...

Một sai phạm khác là khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (Q.9, quy mô 816 căn chung cư, 123 nền nhà biệt thự, 228 nền biệt thự đơn lập, 286 nền nhà liên kế vườn…). Đây là một trong những dự án thí điểm của thành phố với hình thức giao cho một chủ đầu tư chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Sau đó phân ra nhiều dự án nhỏ để giao, thuê đất cho các chủ đầu tư thứ cấp, thu tiền sử dụng đất.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định giao hơn 78,5ha đất cho chủ đầu tư chính là Công ty Xây dựng và Dịch vụ Nhà đất quận 10 (nay là Công ty Cổ phần Địa ốc 10, thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV) để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trục chính.

Tuy nhiên, hơn 17 năm trôi qua, dự án gặp khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng. Kỳ vọng tạo diện mạo đô thị cửa ngõ phía Đông của dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc vẫn hết sức tù mù khi mà hạ tầng kỹ thuật chính vẫn chưa hoàn thành và xuống cấp nghiêm trọng, người dân thiếu đường ra Xa lộ Hà Nội.

Thanh tra TP.HCM có kết luận thanh tra về sai phạm tại dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc. Theo đó, các hành vi của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn có dấu hiệu làm trái quy định của Nhà nước khi ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Cổ phần Saca và Chi nhánh Vận tải phía Nam – Công ty Vận tải Ô tô 6, thuộc Cục Đường bộ (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) có nội dung giao đất cho đơn vị thực hiện dự án.

Ngoài ra, các cá nhân tại Công ty Xây dựng và Dịch vụ Nhà đất quận 10 ký hợp đồng kinh tế với Công ty Phát triển Hàng hải, tham gia làm nhà đầu tư thứ cấp trước khi có dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, là có dấu hiệu cố ý làm trái quy định. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Công an TP điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật đối với Công ty Cổ phần Địa ốc 10.

Hạ tầng tại Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (Q.9, TP.HCM) vẫn còn ngổn ngang và đất trống còn nhiều (Ảnh: NQ).

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm

Những sai phạm trong quản lý đất đai ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, gây thất thu ngân sách Nhà nước, dẫn tới khiếu nại khiếu kiện kéo dài. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định.

Đầu tháng 10/2018 vừa qua, Thường trực HĐND TP.HCM đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Thanh tra thành phố kiên quyết thu hồi đất đã được giao, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng.

Ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM thừa nhận, việc quản lý đất đai hiện còn lỏng lẻo. Quá trình thực hiện đất đai, triển khai dự án bị xâm lấn, méo mó, không còn đúng bản chất ban đầu, nhất là việc quản lý quỹ đất trong quy hoạch, dẫn tới sai phạm, khiếu kiện kéo dài của người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo DNVN