Top

TP.HCM: "nén chặt" trung tâm bằng cao ốc! (phần 1)

Cập nhật 24/12/2007 08:00

Bùng nổ cao ốc ở quận 1, quận 3

Nội thành TP.HCM đã quá chật chội. Thế nhưng hàng loạt cao ốc, trung tâm thương mại tiếp tục mọc lên ở khu trung tâm làm cho tình trạng quá tải hạ tầng đô thị càng thêm trầm trọng. Và nạn kẹt xe, vì thế sẽ ngày càng khủng khiếp!

Định hướng qui hoạch phát triển TP.HCM đến năm 2020 nêu rõ: phát triển TP theo hướng mở, phi tập trung; khu vực nội thành cũ chủ yếu chỉnh trang, cải tạo... Tuy nhiên trong thực tế các công trình đồ sộ lại tiếp tục "hướng nội", hút người và xe vào khu vực trung tâm.

Nhìn thấy trước vấn nạn kẹt xe, cách đây hơn 10 năm nhiều chuyên gia qui hoạch, kiến trúc từng kiến nghị phải phát triển TP.HCM theo hướng mở, đặc biệt nhanh chóng xây dựng các đô thị vệ tinh. Thế nhưng thực tế nhiều công trình lại đang tập trung vào khu nội thành. Nhiều chuyên gia dự báo chỉ 1 - 2 năm nữa trung tâm TP sẽ nghẹt cứng do lượng người và xe từ các cao ốc đổ ra đường vào giờ cao điểm.

Cao ốc, trung tâm thương mại mọc khắp nơi

Đường Nguyễn Thị Minh Khai chỉ tính trên một đoạn khoảng 1.000m từ ngã tư Cách Mạng Tháng Tám tới Hai Bà Trưng đã có ít nhất 15 cao ốc, cả cũ và mới. Cao ốc nào cũng từ 15 tầng trở lên. Đáng nói hơn, chỉ trong vòng bán kính vài chục mét tại khu vực ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Pasteur rất đông đúc xe cộ lại là điểm tập trung nhiều cao ốc nhất.

Ngoài ba cao ốc hiện hữu thì ngay khu vực ngã tư này có hai cao ốc đang thi công là Pacific và Sailing Tower. Cao ốc Pacific với qui mô 22 tầng và ba tầng hầm, diện tích sàn xây dựng hơn 22.000m2, theo tính toán của các kiến trúc sư thì khi đưa vào hoạt động (với chức năng văn phòng công ty) dự kiến có hơn 5.500 người làm việc tại đây. Ngay bên cạnh cao ốc Pacific, Sailing Tower (văn phòng, căn hộ cao cấp) cũng cao tới 22 tầng và ba tầng hầm với tổng diện tích đất xây dựng 2.900m2, dự kiến chứa khoảng 6.000-7.000 người ở và làm việc.

Hiện nay, lộ giới đường Nguyễn Thị Minh Khai và Pasteur không lớn nhưng khu vực này đã tập trung 3-4 cao ốc cũ (văn phòng, khách sạn, ngân hàng) nên tốc độ xe di chuyển tại đây rất chậm. Thử tưởng tượng sau khi có thêm hai cao ốc trên hoàn thiện đưa vào hoạt động, với hơn 10.000 người sống và làm việc cùng ra vào mỗi đầu giờ sáng và giờ tan tầm thì khả năng kẹt cứng ngay tại góc ngã tư này là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Trên rất nhiều đường khác như Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn... cũng có hàng chục dự án cao ốc đang ráo riết xây dựng.

Dân tăng gấp đôi

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện khu trung tâm TP.HCM (chủ yếu quận 1 và 3) có khoảng 150 cao ốc đã và đang xây dựng. Nhiều cao ốc gần như không quan tâm đến khoảng lùi, xây lấn ra sát đường như nhà phố. Không ít cao ốc được "khoét lõm" giữa các khu dân cư, xây cao chót vót. Trong khi cơ quan chức năng cho phép xây dựng dường như chưa quan tâm đến hạ tầng chung của khu vực.



Một cao ốc đang được xây phần móng
 ở giữa những tòa nhà cao tầng đã và
                   đang được xây.



Cao ốc Pasteur Court (127 Pasteur, P.6, Q.3) là một trong những công trình qui mô trên địa bàn quận 3 mọc lên trong thời gian gần đây. Công trình gần như nằm vắt ngang hai con đường Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Đây là dự án chung cư với các chỉ tiêu như sau: tổng cộng dự án có 160 căn hộ, 98 chỗ đậu xe ở tầng hầm (tiêu chuẩn 2 hộ/ôtô). Diện tích khu đất chưa tới 2.000m2 nhưng được xây đến 21 tầng, chưa kể hai tầng hầm.

Liền kề khu cao ốc Pasteur Court, Công ty cổ phần đầu tư An Thái cũng được cho phép xây dựng một cao ốc 21 tầng (188 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) trên khuôn viên chỉ hơn 3.000m2. Khu vực này vốn chỉ có vài chục hộ dân, nay cho xây dựng hai cao ốc thì cư dân ở đây sẽ lên tới vài ngàn người.

Một dự án khác cũng đang được khởi động ở khu đất khoảng 14.000m2 nằm lọt giữa ba tuyến đường Cô Bắc - Cô Giang và Nguyễn Khắc Nhu (quận 1) đang là khu nhà cũ, lụp xụp. Theo kế hoạch, khu vực này sẽ giải tỏa để làm dự án cao ốc văn phòng, căn hộ do một quĩ đầu tư làm chủ dự án.

Hiện tại khu vực này có khoảng 3.000 người dân sinh sống. Thế nhưng theo phương án mà chủ đầu tư trình các cơ quan chức năng thông qua, sau khi hoàn thành dự án sẽ chứa khoảng 6.000 người, tức tăng gấp đôi so với hiện nay. Nếu phương án này được thông qua, đồng nghĩa với hạ tầng khu vực này phải "gánh" thêm hàng ngàn người nữa.

Mối đe dọa từ các cao ốc phức hợp

Điều đáng nói là hầu hết cao ốc đã và đang triển khai xây dựng thời gian gần đây đều là các cao ốc phức hợp với nhiều chức năng cùng lúc: trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp.

Theo đánh giá của các nhà qui hoạch, việc đưa cả chức năng thương mại và nhà ở vào giữa khu trung tâm TP là không phù hợp. Thực tế thời gian qua cho thấy việc hình thành các trung tâm thương mại, siêu thị tại khu trung tâm như Diamond Plaza, Parkson... đã khiến các con đường xung quanh thường xuyên kẹt xe.

Tại tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, hoạt động kinh doanh thương mại, siêu thị của thương xá Tax cũng là nguyên nhân gây kẹt cứng cả đoạn đường khu vực trung tâm, nhất là vào những dịp lễ tết.

Theo các kiến trúc sư, chuyên gia xây dựng, với hàng loạt cao ốc phức hợp đang và sắp được xây dựng tại khu trung tâm, sẽ kéo một lượng người và xe cộ khổng lồ ra vào khu vực này, nhất là việc cho quá nhiều trung tâm thương mại hoạt động ở các cao ốc. Trong khi hệ thống đường sá, hạ tầng của khu vực trung tâm TP được xây dựng từ thời Pháp thuộc không thể nào đáp ứng được.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, bên cạnh khả năng gây kẹt cứng khu trung tâm, việc cho xây dựng quá nhiều cao ốc tại đây sẽ phá vỡ cảnh quan văn hóa. Hiện nay, Nhà hát TP và nhà thờ Đức Bà - nét văn hóa của kiến trúc TP xưa - đã bị nằm lọt thỏm giữa các khối cao ốc xung quanh.

> TP.HCM: "nén chặt" trung tâm bằng cao ốc! (phần 2)

Theo Tuổi Trẻ