Top

TP.HCM: Dùng những ngôi nhà 'ma' để lách luật bán đất nền

Cập nhật 04/07/2017 14:20

Để phân lô bán nền một cách hợp pháp, các đầu nậu lén lút xây nhiều căn nhà "ma" nhỏ như phòng vệ sinh, nhà kho...

Theo Quyết định 33 của UBND TP.HCM (số 33/2014/QĐ-UBND) về diện tích tối thiểu được tách thửa, khu vực 2 (gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện được quy hoạch đô thị hóa), muốn tách thửa tại nơi chưa có nhà ở phải đủ 80m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m. Đối với đất có nhà ở, diện tích tối thiểu là 50m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4m.

Lách quy định này, các đầu nậu đang xẻ thịt các khu đất để phân lô bán nền, thậm chí dưới chuẩn để hợp thức hóa “tất tần tật” các thủ tục. Dạo quanh khu vực nằm trong diện “sốt”, “nóng” đất nền như quận 9, 12, huyện Nhà Bè… PV rất dễ tìm thấy các khu nhà “ma” mọc lên như nấm sau mưa.


Hàng loạt căn nhà "ma" nằm trong các lùm cỏ dại.

Tại khu vực trường mầm non Sơn Ca 8, phường An Phú Đông, quận 12, hàng loạt căn nhà “ma” nằm thấp thoáng trong các lùm cây dại mọc theo nắng mưa. Những căn nhà này nằm xen lẫn với một số công trình nhà ở đã và đang mọc lên trong khu vực. Lúc đầu, PV ngỡ là nhà vệ sinh hay kho của các hộ lân cận, nhưng hỏi ra mới biết nhà đó xây tạm để bán đất.

Thậm chí, ghi nhận của PV cho thấy, những căn nhà nhỏ chỉ bằng hộp diêm với diện tích 1m2 đến 2m2. Điều đáng nói, khi bán đất, các “cò” cam kết sẽ lo mọi thủ tục cho đến khi hoàn công căn nhà, nếu cần sự giúp đỡ.

Khi PV hỏi mua lô đất gần Tu viện Khánh An, cũng thuộc phường An Phú Đông, đầu nậu tên Huy hỏi ngay: “Mua đầu tư hay để ở, nếu mua ở thì anh lấy giá 20 triệu đồng/m2. Hiện trên đất, bên anh đã cho xây dựng mấy căn nhà tạm để dễ dàng thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng”.

Những căn nhà nhỏ chỉ bằng hộp diêm với diện tích 1m2 đến 2m2.

Giải thích về căn nhà tạm, Huy nói thêm: “Diện tích đất là 73m2, không đủ để tách thửa, đồng thời, khi xây dựng sẽ phải trừ lộ giới nên phải xây nhà tạm trước. Em mua, bên anh sẽ làm các thủ tục: Chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, sang tên sổ… cho em luôn một lần, đỡ phải sang tên người này rồi lại sang cho người khác. Tất cả chi phí này đều do bên anh lo hết. Nếu em cần giấy phép xây dựng thì anh sẽ lo luôn và em phải chịu phí nhưng không nhiều đâu, khoảng vài chục triệu đồng là cao”.

Tương tự, tại quận 9, huyện Nhà Bè, Thủ Đức... tình trạng các đầu nậu xây nhà “ma”, phân lô bán nền cũng diễn ra rầm rộ. Điển hình, trên đường Nguyễn Xiển (phường Long Bình, quận 9), có hàng chục căn nhà “ma” nằm sát nhau, được xây bằng tường gạch, trên đó là các số điện thoại rao bán đất.


Khu vực ấp 2, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cũng có dự án khu dân cư của công ty Hoàng Hoa đang triển khai theo cách tương tự với 34 nền. Mỗi nền đều có những căn nhà tạm bằng sắt, tôn bố trí sẵn.

Theo tìm hiểu của PV, đứng đằng sau các dự án, đa số là các công ty bất động sản vừa và nhỏ. Họ bỏ chi phí đầu tư đường giao thông, cống thoát nước, điện… rồi giao cho một cá nhân nào đó đứng tên trên giấy tờ pháp lý. Để phân phối, các công ty này giao lại cho một đơn vị khác hoặc cũng có thể trực tiếp đứng ra đảm nhận.


Những người chuyên đầu cơ gom từ 5 đến 10 nền (phân phối thứ cấp) từ các công ty rồi bán lẻ kiếm lãi. Khi bán lẻ, họ tìm mọi cách để có thể lách luật, bán được giá tốt nhất và lo luôn các thủ tục liên quan.

Luật sư Hoàng Thái Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Rõ ràng, đầu nậu đã tìm hiểu rất kỹ các quy định của pháp luật, đồng thời không loại trừ có tay trong từ các phòng đăng ký đất đai, tài nguyên môi trường hay quản lý đô thị “tư vấn”, hậu thuẫn hoặc có cổ phần trong các dự án đó. Thực tế, họ xây dựng các căn nhà “ma” như trên mà không vấp phải sự ngăn cản nào, lại được cấp sổ, tách thửa dưới chuẩn quy định”.

Liên quan đến tình trạng này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết: “Thực tế thời gian qua, một số quận, huyện có tình trạng cá nhân, tổ chức đã lách luật, xây dựng các công trình tạm bợ để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tiến hành tách thửa. Những trường hợp nào sai phạm, Sở sẽ chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện xử lý nghiêm nhằm đảm bảo cho việc phát triển đô thị theo đúng quy định”.

Ông Thắng cũng cho biết thêm: “Để hạn chế tình trạng này, Sở đã và đang hoàn thiện dự thảo về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa, theo hướng bỏ nhà ở hiện hữu để quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa. Quy định này nhằm tránh gây hiểu nhầm và quan trọng là sự lách luật của các chủ đất”.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa tin