Nhà và đất đã bán nhưng chủ đầu tư vẫn mang thế chấp ngân hàng khiến khách hàng không được cấp giấy chủ quyền, trong khi chính quyền cơ sở không biết cũng như không có thẩm quyền xử lý
Tại TP HCM, cư dân nhiều chung cư đang lo lắng khi chủ đầu tư mang giấy tờ thế chấp ngân hàng. Bức xúc này một lần nữa được nêu ra tại chương trình lắng nghe và trao đổi với chủ đề "Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại các dự án", do HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP tổ chức sáng 2-7. Điển hình là dự án chung cư Ruby Land ở quận Tân Phú, thuộc Công ty CP Tân Hoàng Thắng và khu dân cư Sông Đà ở quận Thủ Đức của Công ty CP Đầu tư Đại Hải.
Nguy cơ mất trắng
Ông Nguyễn Thanh Trung, cư dân chung cư Ruby Land, bức xúc: "Chúng tôi đã chờ đợi 10 năm rồi mà chưa có giấy chủ quyền bởi chủ đầu tư mang giấy tờ 280 căn hộ thế chấp ngân hàng. Mong cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết để chúng tôi có sổ hồng".
Cùng tâm trạng, ông Văn Tiến Dũng vô cùng lo lắng khi ngân hàng đề nghị tòa phải xử lý tài sản bảo đảm, trong đó có 280 căn hộ của người dân ở chung cư Ruby Land. "Như vậy, khả năng chúng tôi mất nhà là có. Chúng tôi đang rất lo!" - ông bày tỏ.
Chung cư Ruby Land, quậnTân Phú, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh |
Ông Huỳnh Văn Nâu ở khu dân cư Sông Đà 10 năm mà vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền mặc dù tiền đã đóng đủ. Trong khi đó, ông Đặng Minh Quý cho biết thậm chí cư dân đã đưa luôn 10% còn lại mà theo hợp đồng khi nào có sổ hồng mới trả phần này. Ông chua xót: "Đến lúc ngân hàng kêu lên làm việc, chúng tôi mới biết không những chủ đầu tư cầm giấy tờ cho ngân hàng mà còn không có khả năng rút ra để làm chủ quyền cho cư dân. Giờ chúng tôi rất hoang mang vì không biết bám víu vào đâu".
Nhiều hộ dân ở chung cư An Bình, quận Tân Phú; chung cư Bộ đội Biên phòng, quận Gò Vấp... cũng trong tình trạng tương tự.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Phạm Minh Mẫn, không chỉ Ruby Land, trên địa bàn quận còn nhiều chung cư mà người dân chưa được cấp giấy chủ quyền. Nguyên nhân là vì công trình chưa nghiệm thu do vi phạm xây dựng, chưa hoàn thiện thủ tục về phòng cháy chữa cháy; chủ đầu tư mang giấy tờ thế chấp ngân hàng hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. "Về chung cư Ruby Land, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) có giải pháp xử lý và sớm giải quyết cho cư dân" - ông Mẫn nói.
Quận Thủ Đức cũng gặp những nguyên nhân như vậy nên cư dân chưa được cấp giấy chủ quyền. Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Trần Văn Dũng cho biết từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn quận có 105 dự án kinh doanh nhà ở. Trong số 49 dự án thực hiện xong và bố trí cho người dân vào ở thì có 26 dự án đã cấp giấy chủ quyền, các dự án còn lại được cấp giấy một phần hoặc chưa cấp.
Riêng dự án khu dân cư Sông Đà, ông Dũng nói vướng mắc lớn nhất là chủ đầu tư chưa giải chấp nên người dân hết sức bức xúc. Ông Dũng thừa nhận do quy định chưa chặt chẽ nên khi chủ đầu tư mang giấy tờ đi thế chấp, UBND quận Thủ Đức không nắm được cũng như không có thẩm quyền xử lý. Ông Dũng kiến nghị Sở TN-MT tiếp tục làm việc với Công ty CP Đầu tư Đại Hải và có giải pháp để cấp giấy chủ quyền cho người dân.
Ở góc độ đơn vị giám sát, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Trương Trung Kiên đánh giá để tình trạng này kéo dài, một phần là do người dân chưa nắm được quy định pháp luật dẫn đến quyền lợi bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các sở - ban - ngành chậm triển khai chỉ đạo của UBND TP trong việc tháo gỡ các vướng mắc; sự thiếu phối hợp và thụ động chờ chủ đầu tư nộp hồ sơ cấp giấy cho người dân mà không đốc thúc. "Khi chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án, người dân phải khởi kiện nhưng họ không biết làm như thế nào và dựa vào ai" - ông Kiên nhìn nhận.
Bêu tên chủ đầu tư
Giám đốc Sở TN-MT TP HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết từ tháng 7-2014 đến nay, đơn vị tiếp nhận trên 130 dự án với số lượng giấy chứng nhận cần cấp là 35.405. Đến nay, sở đã cấp trên 15.000 giấy. Theo ông Thắng, Sở TN-MT đã làm việc với ngân hàng, Sở Xây dựng, chủ đầu tư và đại diện ban quản trị chung cư Ruby Land để rà soát những gì thuộc sở hữu của chủ đầu tư, phần nào người dân chưa nộp cho chủ đầu tư.
"Nếu trường hợp cân đối được phần nợ và phần thu, chúng tôi sẽ cấp giấy chủ quyền cho người dân. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân khởi kiện chủ đầu tư ra tòa. Dự kiến trong quý IV năm nay, những nội dung này sẽ thực hiện xong" - ông Thắng nói.
Còn dự án khu dân cư Sông Đà, hiện chủ đầu tư đã mang trên 300 giấy chứng nhận thế chấp 4 ngân hàng. Ông Thắng cho biết trong tháng 7 sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để ràng buộc chủ đầu tư dùng tài sản khác thế chấp, đồng thời xử lý những vi phạm.
Về phía Sở Xây dựng TP HCM, Phó Giám đốc Đỗ Phi Hùng kiến nghị thành lập tổ liên ngành xử lý những vấn đề tồn đọng tại các dự án. Bên cạnh đó, nêu cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, sự phối hợp của các sở - ngành và quận - huyện. Mặt khác, phải dùng biện pháp mạnh để chế tài các chủ đầu tư. Ngoài chuyện không chấp thuận hoặc phê duyệt dự án mới đối với các chủ đầu tư vi phạm xây dựng thì nên nêu tên trên website của các cơ quan có thẩm quyền.
Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng cho biết đã giao Sở TN-MT thành lập tổ công tác liên ngành để khẩn trương rà soát các dự án trên địa bàn TP, phân loại nguyên nhân dẫn đến chậm việc cấp giấy chứng nhận.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị giải quyết tới đâu thì thông tin cho HĐND TP và người dân tới đó. Tại kỳ họp cuối năm nay của HĐND TP HCM, UBND TP phải có báo cáo kết quả thực hiện vấn đề này.
Kiểm tra 100% công trình xây dựng
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng thừa nhận thời gian qua, sở có thiếu sót khi không kịp thời kiểm tra sai phạm của các chủ đầu tư. Đơn vị đã và đang chấn chỉnh vấn đề này.
Ông Hùng khẳng định: "Sở đã chỉ đạo thanh tra 100% công trình xây dựng trên địa bàn TP; 100% vụ vi phạm xây dựng phải được phát hiện ngay, ngăn chặn từ đầu, không để xảy ra tình trạng xây dựng xong rồi mới xử phạt".
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: