Top

TPHCM cũng có tuyến đường dát vàng?

Cập nhật 05/05/2015 16:32

Hà Nội có tuyến đường “đắt kỷ lục” Trần Phú thì Hồ Chí Minh cũng chuẩn bị có cao tốc “dát vàng” với 554 triệu đồng cho mỗi mét làm đường.

Hà Nội vừa cho thông xe trên tuyến đường Trần Phú sau hơn 20 năm bị treo. Tổng kinh phí đầu tư lên đến 350 tỷ đồng cho 450 mét đường, tính ra thì khoảng 0,7 tỷ đồng cho một mét làm đường. Đây được xem là con đường đắt kỷ lục tại Hà Nội. Thế nhưng, mới đây nhất, thành phố mang tên Bác đã xuất hiện tuyến đường “dát vàng” không hề kém cạnh với Thủ đô. Đó chính là đường cao tốc Bến Lức – Long Thành với hơn 0,55 tỷ đồng cho một mét làm đường trong giai đoạn 1.

Cụ thể, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57 km, đi qua tỉnh Long An (2,7 km; huyện Bến Lức và huyện Cần Giuộc), TP HCM (26,4 km; các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai (28 km, huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Đây được xem là dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc – Nam, mang ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 31.320 tỷ đồng (hơn 1,6 tỷ USD).

Không khỏi giật mình khi nhìn thấy con số 25,8 triệu USD (tương đương 554 tỷ đồng) chỉ để xây dựng 1 km đường cao tốc của dự án này. Đây mới chỉ là giai đoạn 1, nghĩa là sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều. Được biết, trong dự án, suất đầu tư cũng có sự chênh lệch lớn khi gần 11 km đường trong tổng chiều dài có suất đầu tư là 60,7 triệu USD/km, hơn 46,9 km còn lại là 17,84 triệu USD/km.

Giải thích cho lý do vì sao lại có mức chi phí quá cao, lãnh đạo của VEC phân trần, ngoài những nguyên nhân về kỹ thuật, vật liệu xây dựng nhập từ nước ngoài thì chi phí giải phóng mặt bằng cao ở hai địa phận TP.HCM và Đồng Nai đã góp phần làm suất đầu tư của đoạn này cao hơn.

“Khu vực dự án đi qua đều nằm ở vùng ven TP HCM và Đồng Nai, qua đồng ruộng…, làm sao tốn nhiều chi phí giải phóng mặt bằng? Ở các nước, xây đường cao tốc vượt biển, qua đèo, hầm xuyên núi nhưng chi phí cũng không cao như Việt Nam, chỉ từ 5-15 triệu USD/km.”, TS Phạm Xuân Mai (Trường ĐH Bách khoa TP HCM) chia sẻ ý kiến với báo Người Lao Động.


Cao tốc Bến Lức - Long Thành có mức chi phí cao nhất so với những dự án đường cao tốc đã từng xây dựng ở khu vực phía Nam.

Một điều bất thường nữa của một số tuyến đường cao tốc ở Việt Nam là trong cùng một điều kiện tự nhiên nhưng chi phí cho 1 km đường cao tốc lại vênh nhau. Chẳng hạn, chi phí cho 1 km đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây gấp đôi đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Và nay, chi phí cho 1 km đường cao tốc Bến Lức - Long Thành gấp đến 3 lần tuyến TP HCM - Trung Lương và trở thành tuyến đường có chi phí cao nhất so với những dự án đường cao tốc đã từng xây dựng ở khu vực phía Nam.

Chuyên gia giao thông - TS Phạm Sanh dẫn chứng: Tuyến đường cao tốc đầu tiên ở phía Nam là TP HCM - Trung Lương có vốn đầu tư ban đầu 4.900 tỷ đồng nhưng khi quyết toán, con số này đội lên 9.800 tỷ đồng. Lúc đó, nhiều chuyên gia phản ứng chi phí đầu tư quá cao, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trả lời do đất yếu, nhiều vùng phải làm cầu cạn và công nghệ về đường cao tốc chưa có nhiều… nên đẩy suất đầu tư lên cao.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng chi phí xây đường cao tốc cao sẽ dẫn đến phí lưu thông rất cao và chi phí vận tải của hàng hóa Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều so với các nước trong khu vực. Hàng Việt sẽ bị đội giá và giảm khả năng cạnh tranh. Cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mở cửa, hàng hóa các nước tràn vào mà lại rẻ hơn hàng Việt thì nguy cơ chúng ta thua ngay trên sân nhà là rất gần.

Tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2018. Dự án sẽ xây dựng 6 nút giao, hàng trăm cống hộp dân sinh, cống thoát nước cùng các công trình phụ trợ đảm bảo khai thác như: trung tâm điều hành giao thông, trung tâm vận hành - bảo trì, trạm dịch vụ, trạm dừng xe, trạm thu phí… và hệ thống giao thông thông minh.

Theo chủ đầu tư VEC, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Penh, TP HCM - Vũng Tàu.


DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt