Nhà xây dựng trái phép sau 3/1/2008 sẽ kiên quyết đập bỏ. Lập hội đồng thẩm định cấp huyện xem xét “tha” hay đập nhà trái phép để bảo đảm khách quan, tránh việc “chạy chọt” ông này, ông kia.
Bộ Xây dựng đang dự thảo văn bản chỉ đạo UBND TP.HCM xử lý các sai phạm trong xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Một trong những nội dung quan trọng được đề cập là việc TP.HCM đề xuất cho hợp thức hóa hơn 11.000 căn nhà xây trái phép sau ngày 1/7/2004.
Phân loại “tha”, đập, cho tồn tại
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, lý giải theo Điều 120 Luật Xây dựng, kể từ ngày 1/7/2004 (ngày luật này có hiệu lực) những công trình trái phép phải được tháo dỡ. Hiện TP tồn tại hơn 11.000 công trình xây dựng trái phép, nếu xử lý kiên quyết thì rất nhiều nhà dân phải tháo dỡ. Điều này sẽ gây sự xáo trộn xã hội rất lớn. Trong khi đó, Nghị định 180 ngày 7/12/2007 quy định phải đình chỉ thi công và buộc tháo dỡ đối với nhà đang xây dựng trái phép nhưng không đề cập việc xử lý đối với nhà trái phép đã xây xong.
Do đó, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị thêm một số nội dung Nghị định 180 chưa đề cập. Cụ thể, những công trình xây dựng trên đất có đủ điều kiện cấp “giấy hồng” thì cho tồn tại và cấp giấy chủ quyền. Loại này gồm những công trình phù hợp với quy hoạch được duyệt, công trình xây dựng trên đất ở đã có “giấy đỏ”, “giấy hồng”, nhà xây dựng lại hoặc cải tạo trên nền nhà cũ, nhà xây dựng trên đất có đủ điều kiện được cấp “giấy đỏ” và có vị trí xây dựng phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Đối với những công trình xây dựng không đúng giấy phép thì phải tháo dỡ phần vi phạm. Đối với những công trình trái phép không phù hợp quy hoạch thì tinh thần chung là phải tháo dỡ. Những công trình không phù hợp quy hoạch chi tiết (nằm trong khu không phải đất ở, không phải khu dân cư) nhưng chưa triển khai quy hoạch thì sẽ cho tồn tại tạm, không được cấp “giấy hồng”. Công trình trên đất chưa có quy hoạch chi tiết sẽ tạm cho tồn tại nhưng cũng chưa cấp chủ quyền.
Theo ông Hùng, những đề xuất trên xuất phát từ số lượng công trình xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1/7/2004 quá lớn nên không thể đập bỏ hết. Mặt khác, nếu công trình đầy đủ điều kiện để cấp “giấy hồng” mà buộc người dân phải tháo dỡ, sau đó xây dựng lại thì rất tốn kém. Còn không cấp “giấy hồng” thì nhà nước sẽ không quản lý được mà người dân cũng không thực hiện được quyền của mình.
Lập hội đồng thẩm định
Ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, khẳng định việc xây dựng trái phép phải xử lý nghiêm nhưng cũng thừa nhận không thể nói đập là đập hết. Ông nói: “Để xảy ra tình trạng hàng ngàn căn nhà xây dựng trái phép cũng có một phần lỗi của nhà nước do tình trạng quy hoạch “treo”, quản lý không nghiêm từ cơ sở”.
Ông Dương Thành Phố, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, cũng cho rằng không cần thiết phải đập hết vì sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Có nhiều loại sai phạm trong xây dựng. Ví dụ sai phạm về mật độ xây dựng, cho phép xây dựng với mật độ 40% nhưng người ta xây tới 70%; sai phạm về cốt 0 trong xây dựng để đảm bảo thoát nước, chống ngập... Khi xử lý phải cân nhắc, không thể nói cứ sai là phải đập.
Tuy nhiên theo ông Yên, cũng không thể chấp nhận hoàn toàn như đề xuất của TP.HCM là cho tồn tại hàng loạt căn nhà xây dựng sai phép sau ngày 1/7/2004. Bộ đề xuất phải lập hội đồng kiến trúc quy hoạch do chủ tịch UBND quận, huyện làm chủ tịch.
Thành phần của hội đồng gồm đại diện của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Hội Kiến trúc, các đoàn thể đại diện cho người dân như Mặt trận tổ quốc, tổ dân phố... Hội đồng có trách nhiệm xem xét các điều kiện để cho tồn tại hay buộc xử lý đối với các công trình trái phép. Ông Phố giải thích phải lập hội đồng ở cấp huyện vì cấp này nắm rõ tình hình cơ sở, đồng thời có đủ nhân lực để làm chứ dồn lên TP thì sẽ làm không xuể. “Lập hội đồng với nhiều cơ quan chuyên môn cũng là để đảm bảo khách quan, tránh việc chạy chọt ông này ông kia” - ông Phố lý giải.
Những tiêu chí để xác định công trình được phép tồn tại hay không là phải phù hợp quy hoạch, chất lượng công trình phải đảm bảo, đảm bảo mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường. Nếu nhà lấn chiếm lòng lề đường thì dứt khoát phải xử lý nghiêm, không cho tồn tại. Nếu chỉ vi phạm về tầng cao thì buộc phải làm cam kết khi có quy hoạch thì phải tự giác đập bỏ và không được bồi thường...
Ông Dương Thành Phố, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép sau ngày 3/1/2008 (ngày Nghị định 180 năm 2007 có hiệu lực) sẽ không có ngoại lệ mà phải xử lý đúng luật.
Trước đây, các địa phương đều lấy lý do không đủ người kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, pháp luật quy định chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh để biện hộ cho việc để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan trên địa bàn. Nay đã có Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/6/2007 cho phép thí điểm thành lập thanh tra xây dựng cấp huyện, cấp xã ở Hà Nội và TP.HCM. Nghị định 180 năm 2007 cũng quy định rất cụ thể cách thức xử lý sai phạm nên không thể du di hay chấp nhận ngoại lệ đối với trường hợp xây dựng trái phép nữa.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: