Giấy chủ quyền (GCQ) nhà, đất cứ thay đổi xoành xoạch không những thử thách sức chịu đựng của người dân mà còn làm cho sự quản lý của chính cơ quan tham mưu ban hành nó giẫm đạp, chồng chéo nhau.
Một nhà, hai giấy
Theo thống kê sơ bộ, tại TPHCM hiện có đến gần 70 loại giấy tờ được xem như giấy xác nhận chủ quyền nhà, đất. Tuy nhiên, trong số đó, ngoài 5 loại giấy đỏ, giấy hồng được cấp từ năm 1993 đến nay, nhiều loại giấy trắng cũng chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, nhưng khi đi làm thủ tục lại bị cơ quan công chứng ách lại, buộc phải đổi sang hồng.
Sự không liên thông giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ cấp chủ quyền đã gây nên tình cảnh dở khóc dở cười, thậm chí tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo. Trong vụ án lừa đảo bằng sổ đỏ ở phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 mới đây, cơ quan điều tra phát hiện ông T. có đến hai GCQ cho một khu đất. Thì ra, trước năm 2002, ông T. xin phép cấp GCQ thì được Sở Địa chính - Nhà đất thụ lý hồ sơ và UBND TPHCM ra quyết định cấp. Sau đó, ông lại xin UBND quận 9 cấp GCQ lần nữa và cũng được chấp thuận.
Sau đó, khi một số địa phương rà soát lại thủ tục nhà, đất đã phát hiện gần 30 trường hợp tương tự. Điển hình là trường hợp của ông Lý Vạn T. ở đường Nguyễn Thượng Hiền, phường 1, quận Gò Vấp. Năm 1998, vợ chồng ông được UBND TP cấp GCQ với diện tích đất khuôn viên 499 m2. Song mới đây, khu đất vốn có 1 căn nhà này đã biến thành 5 căn với các GCQ được cấp cho từng căn.
Từ những chuyện một nhà, hai giấy này, Sở Tư pháp TPHCM đã phải gấp rút tổ chức cuộc họp để truy tìm nguyên nhân và kết luận, việc cấp trùng GCQ là do lỗi của các cơ quan Nhà nước.
Xoay dân như chong chóng
Đến giờ, mỗi lần nhắc đến hành trình đi xin GCQ cho căn nhà 56 m2 trên đường bên hông Trường Mầm Non quận Tân Bình, anh Dương Văn Tùy không khỏi nổi gai ốc. Anh Tùy phải trải qua một hành trình với hàng chục lần điều chỉnh, bổ túc hồ sơ, tốn hàng chục triệu đồng kinh phí, hàng chục công văn “chạy” từ phường lên quận đến TP rồi lại vòng về quận - phường, với thời gian gần 5 năm trời. Anh Tùy chính là nạn nhân của chính sách cấp GCQ thay đổi như chong chóng.
Năm 2002, anh làm thủ tục cấp giấy hồng theo Nghị định 60 thì vướng quy định buộc người xin GCQ phải có hộ khẩu, tiếp đến lại vướng Chỉ thị 08 của UBND TP (tháng 4-2002, nhằm chấn chỉnh và tăng cường quản lý nhà, đất).
Đến 1-7-2004, khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, hy vọng có được GCQ cho căn nhà được nhen nhóm. Sau khi đo vẽ lại căn nhà theo mẫu giấy đỏ mới, đầu năm 2005, anh Tùy nộp lên UBND quận Tân Bình rồi... chờ tiếp. Sau đó lại vướng Quyết định 207 của TPHCM về cho phép tồn tại nhà xây dựng không phép, sai phép. Đầu năm 2006, phần xây dựng sai phép được xử lý xong, thì phải đo vẽ và nộp hồ sơ để xin cấp giấy hồng mới theo Luật Nhà ở và Nghị định 90!
Chịu không nổi cảnh bị xoay như chong chóng với hành trình gần 7 năm đi xin cấp GCQ, ông Đặng Xuân Nhựt (phường 12, quận Bình Thạnh) buộc phải đệ đơn lên Thủ tướng Chính phủ. Lúc này Sở Tài nguyên - Môi trường mới xem xét và sau đó phải đính chính khi đưa thông tin chưa chính xác về họa đồ vị trí, trích sao điền thổ..., khiến ông không được cấp GCQ.
Người dân vẫn tiếp tục chịu khổ
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, Quốc hội đã ra nghị quyết một giấy, một hệ thống đăng ký; Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định là chờ Luật Đăng ký bất động sản cuối năm 2008 sẽ được thông qua thì sẽ thống nhất một GCQ. Đối với những giấy đã cấp vẫn tiếp tục có hiệu lực. “Phải thẳng thắn nhìn nhận, việc duy trì hai GCQ thì sẽ tăng thêm chi phí so với một. Có thể tính được sự lãng phí trong việc duy trì hai GCQ, việc này đã kéo dài từ năm 1994.
Nhưng vấn đề mấu chốt và đáng ngại hơn cả là tính thiếu công khai, minh bạch trong hệ thống đăng ký sẽ vẫn tiếp diễn và người dân vẫn tiếp tục chịu khổ thêm một thời gian nữa”- ông Võ nói.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: