Top

TP Hồ Chí Minh: Lo tái định cư cho dân chưa “ngon”!

Cập nhật 22/11/2008 01:00

Đa số thu nhập của người tái định cư bị giảm nhưng chi phí cho cuộc sống tăng lên, lại không tìm được chỗ làm, chỗ học... tại nơi ở mới nên phải quay lại chỗ cũ.

Báo cáo tại hội thảo góp ý việc thực hiện chính sách tái định cư do HĐND TP.HCM tổ chức hôm qua (21-11), Sở Xây dựng cho biết hiện trên địa bàn TP còn khoảng 300 hộ tạm cư dài hạn và TP sẽ giải quyết dứt điểm vào cuối năm nay. Nhiều đại biểu cho rằng đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc thực hiện chính sách tái định cư trên địa bàn TP. Tuy nhiên, vấn đề hậu tái định cư vẫn còn ngổn ngang.

Giao nhà đâu phải là đã xong!

Ông Phạm Văn Hải - Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP.HCM kể chuyện ông gặp một người đạp xích lô ở trong một chung cư tái định cư ở quận 4. Từ khi được tái định cư về tầng bốn của một chung cư thì anh phải tốn 100.000 đồng gửi xe mỗi tháng.

“Tôi có cảm giác như mình chỉ chú trọng đến việc giao nền, giao nhà cho xong, còn cuộc sống của người dân hậu tái định cư thì chưa tính tới! Ngoài cái nhà ở thì người dân cần phải có chỗ học, việc làm, nơi trị bệnh, vui chơi giải trí... nữa chứ đâu chỉ nhà là xong” - ông Hải nói.

Bổ sung thêm, thạc sĩ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP, cũng cho rằng chính quyền chưa quan tâm lắm đến đời sống tinh thần của người dân tái định cư. Bằng chứng là trong các khu tái định cư, những dịch vụ do nhà nước làm như trường học, bệnh viện... rất ì ạch.

Đa số thu nhập của người tái định cư bị giảm nhưng chi phí cho cuộc sống thì lại tăng lên. Họ không tìm được chỗ làm, chỗ học, chỗ trị bệnh... tại nơi ở mới nên phải quay lại chỗ cũ. Đã thế, việc cấp “giấy hồng” cho dân lại quá chậm nên người dân không “nắm” được tài sản của mình.

“Tôi đi tìm địa chỉ của những người dân phải di dời thì chính quyền cũ không nắm được, ban quản lý dự án cũng không biết người dân đi đâu, về đâu. Chính cuộc sống không ổn định như thế nên nhiều người tái định cư có cảm giác mình là “công dân hạng hai” trong xã hội!” - ông Thành trăn trở.

Phải thấy nhà mới trước khi giao đất


“Chính quyền phải có khảo sát tình hình đời sống và công việc của người dân trước khi thực hiện dự án để có kế hoạch tái định cư và dự liệu giải quyết những vấn đề xã hội kéo theo” - ông Nguyễn Thanh Chín, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, lên tiếng.

Thật vậy, tình trạng tạm cư kéo dài và chất lượng sống của những khu tái định cư quá tệ khiến cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của TP gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, dự án đường xuyên Á, dự án cầu vượt ngã tư An Sương đã xong lâu rồi mà đến nay người dân vẫn còn tạm cư.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp cho rằng để tránh tình trạng trên và công tác hậu di dời được thực hiện tốt thì TP nhất thiết phải chuẩn bị đủ quỹ nhà tái định cư trước khi bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu chưa xây kịp quỹ nhà tái định cư thì các quận phải rao mua nhà công khai.

“Làm sao để người dân có nhà ngay khi chuyển đi. Tốt hơn là dân phải thấy, phải sờ được vào nhà mới trước khi giao đất cho nhà nước” - Phó Chủ tịch UBND quận 2, ông Nguyễn Cư, kiến nghị.

Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND quận 12, hầu như các quận khoán thẳng việc lo bồi thường, tái định cư cho ban bồi thường giải phóng mặt bằng mà thiếu sự quan tâm sâu sát của các cơ quan, đoàn thể khác.

“Nhiều cán bộ phường, xã tiếp xúc với dân kèm theo lời dọa: Không chịu nhận tiền bồi thường thì vài bữa cũng bị cưỡng chế! Nhiều cán bộ còn có thái độ thách đố với dân. Nếu cán bộ “ngon” hơn thì người dân có chịu thiệt chút cũng sẽ vui vẻ” - ông Hổ nhận xét.

Phải xiết trách nhiệm chủ đầu tư


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: Nhà nước phải tính toán lại lợi ích của các bên khi thu hồi đất. “Người dân bị thiệt đủ đường, lợi ích của nhà nước cũng không được bảo đảm, nhà đầu tư ít bị ảnh hưởng, còn nhà đầu cơ thì lợi nhiều. Vì vậy, cần phải có những chính sách điều chỉnh cho hợp lý để người dân thực sự được hưởng lợi từ các dự án” - ông Nghĩa phân tích.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp bổ sung thêm: Phải có chế tài thích đáng đối với các chủ đầu tư dự án thờ ơ với việc tái định cư của người dân. “Nếu chủ đầu tư nào không thực hiện tốt chính sách tái định cư thì không được giao dự án trong vòng hai hoặc ba năm tiếp theo. Như vậy mới mong thúc đẩy có hiệu quả những dự án tái định cư được” - ông Hiệp gợi ý.

Kết luận hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP, nhận định: Chủ trương, chính sách tái định cư của TP chưa đầy đủ, chưa nhất quán. Nhà nước còn bị động trong việc lo chỗ tái định cư cho người dân, lúc thì đợi xây nhà, lúc lại đi mua...

Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của những khu tái định cư chưa đầy đủ là nguyên nhân hình thành chợ tự phát, chợ lề đường bên cạnh các khu chung cư. “Chính quyền cần chủ động quan tâm hơn để những dự án tái định cư hoành tráng như Thủ Thiêm, khu Nam nhanh trở thành hiện thực” - bà Thảo nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP