Chính quyền thành phố sẽ có những giải pháp linh hoạt, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo lập đầu mối giải quyết nhanh thủ tục đầu tư.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của TP HCM, từ nay đến năm 2020, thành phố phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Thời điểm đó, thành phố sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn nhà cho công nhân và người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội tại TP HCM hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo thành phố đang tập trung tháo gỡ, tạo cơ chế “mở” để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM, tuy Nhà nước đã có chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, cho vay với lãi suất ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội nhưng trên thực tế, các quy trình, thủ tục để triển khai một dự án nhà ở xã hội lại vô cùng phức tạp, mất nhiều thời gian, ít nhất là 2 năm. Đó là lý do khiến đa số doanh nghiệp, chủ đầu tư thờ ơ với phân khúc nhà ở xã hội.
Đến năm 2020, TP HCM phấn đấu tăng diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2. (Ảnh minh họa: KT)
|
Ông Châu Thanh Hãn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Cường cho biết, quy trình thủ tục rất chậm có khi đến vài năm. Nếu làm nhà ở xã hội tập trung vào 1 đầu mối, thời gian làm thủ tục chỉ 6 tháng sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác giải tỏa đền bù, hồ sơ quy hoạch, hồ sơ xin giấy phép xây dựng cho đến khi hoàn thành dự án nhà ở xã hội để bán cho đúng người có thu nhập thấp tại TP HCM rất nan giải. Ngoài việc bị khống chế về diện tích (từ 25-72m2), mức lợi nhuận không quá 10%, chủ đầu tư còn phải liên kết với ngân hàng, sở xây dựng và chính quyền địa phương để xác minh hồ sơ của người mua.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu nhà ở xã hội tại thành phố hiện nay rất lớn và đa dạng, trong đó phần lớn là nhu cầu thuê mua (mua trả góp). Nhu cầu căn hộ có diện tích 40 - 60m2 chiếm tỉ trọng chủ yếu. Bên cạnh đó, mức giá bán căn hộ khoảng 350 - 750 triệu đến dưới 1 tỷ đồng là mức phù hợp.
Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư, TP HCM cần tổ chức bài bản hơn. Trong đó, chính quyền địa phương có thể đầu tư thêm hạ tầng xung quanh các dự án nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, UBND TP HCM cần thành lập một Ban, hoặc một Văn phòng phát triển nhà ở xã hội trực thuộc Ủy ban, từ đó mới giảm được các thủ tục và giải quyết nhanh chóng yêu cầu của các doanh nghiệp.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, thành phố có thể làm được căn hộ nhà ở xã hội 30m2 (gồm 20m2 sàn và 10m2 gác lửng), có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên điều kiện cần cho dự án là đã phải có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông; bên cạnh các khu công nghiệp, nơi làm việc; đã có các tiện ích, dịch vụ cơ bản như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, thể dục - thể thao, công viên; có nền địa chất vững chắc; trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết để dành quỹ đất làm nhà ở xã hội.
Ông Châu cũng cho rằng, mấu chốt của vấn đề phát triển nhà ở xã hội ở TP HCM là phải có quy hoạch từng khu vực, từ đó tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp làm dự án.
Về vấn đề này, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, việc khuyến khích phát triển nhà cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đã được Thành ủy TP HCM đưa vào Nghị quyết. Đến 2020, thành phố phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2.
Do đó, để làm được điều này, chính quyền thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp cũng đồng hành cùng chính quyền. Trước mắt, lãnh đạo thành phố giao cho Sở Xây dựng là đầu mối, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội trong thời gian 6 tháng, thay vì 2-3 năm như hiện nay.
“Để ra một sản phẩm nhà ở với giá hợp lý, các doanh nghiệp phải cùng tham gia trong chuỗi cung cấp nguyên liệu đầu vào, phải cùng tính toán mức giá cho hợp lý từ đó hình thành thị trường nhà ở xã hội. Hiện nay, quy định 5 năm mới được chuyển nhượng nhà ở xã hội là không hợp lý. Nên khuyến khích người dân làm giàu, khi đã giàu lên người ta có quyền bán nhà ở xã hội, quan trọng là nhà đó phải được bán cho đúng đối tượng”, Bí thư Đinh La Thăng phân tích rõ.
Ông Đinh La Thăng cũng khẳng định, ngoài việc các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, thành phố cũng sẽ tạo cơ chế, tạo nguồn lực để người dân đầu tư phát triển nhà trọ, nhà lưu trú nhưng theo tiêu chuẩn của một thành phố văn minh, hiện đại.
“TP HCM đang quyết tâm và sẽ áp dụng những giải pháp linh hoạt để làm nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân có nơi an cư, lạc nghiệp. Nhà ở xã hội của TP HCM phải được hưởng hạ tầng chung của nhà ở thương mại. Chất lượng xây dựng và các tiện ích cho cư dân trong khu nhà ở xã hội cũng tương đương với nhà ở thương mại chứ không phải khu ổ chuột”, Bí thư Thành ủy TP HCM chỉ rõ
DiaOcOnline.vn - Theo VOV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: