UBND TP HCM vừa giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với UBND các quận, huyện đánh giá việc thực hiện quy hoạch hiện nay của các địa phương.
Qua đó, đề xuất điều chỉnh những khu vực quy hoạch còn vướng mắc, không khả thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tại khu vực, thuộc các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao đề xuất việc bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp cấp phép xây dựng có thời hạn vào dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2015 của UBND Tp.HCM quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong khu vực có chức năng quy hoạch là đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới, TP HCM sẽ điều chỉnh Quyết định số 27/2014 về cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng trên địa bàn thành phố.
Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện nay còn khoảng 570 dự án "treo" với tổng diện tích hơn 20.000 ha, trong đó có nhiều dự án “lơ lững” đã hơn 20 năm nay.
Để giải quyết tình trạng này, ngoại trừ huyện Bình Chánh chưa trình đề xuất; 23 quận, huyện còn lại đã được UBND TP.HCM chấp nhận đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Hiện tại, các quận, huyện nói trên đang rà soát và thực hiện điều chỉnh.
Nhờ quyết định trên của thành phố, từ đầu năm 2017, hàng loạt dự án “treo” trên địa bàn TP.HCM đã được “hóa kiếp”, quyền lợi của người dân cũng đã được trả lại đúng nghĩa.
Trước đó, không ít người dân thành phố “dính” quy hoạch “treo” đều rơi vào tình cảnh có đất nhưng cũng không biết phải làm gì vì không được chuyển nhượng, mua bán, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở các khu quy hoạch “treo” dường như ít được nâng cấp, cải tạo, cuộc sống bủa vây bởi quá nhiều khó khăn, thua thiệt, nhếch nhác dù đang sống ở một đô thị văn minh.
Mới đây ở các quận, huyện như Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, quận 8... hàng loạt dự án, tuyến đường, khu công viên cây xanh đã được điều chỉnh quy hoạch theo hướng phù hợp với hiện trạng thực tế.
Cụ thể, tại huyện Hóc Môn, do không thể triển khai xây dựng, UBND Thành phố đã quyết định thu hồi 2 dự án quy hoạch khu công nghiệp là Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng thành điểm dân cư nông thôn hiện hữu và đất sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, tại quận Bình Tân, hơn 20 tuyến đường đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận xóa quy hoạch vì không khả thi do chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn.
Không thể kể hết những dự án treo từ trước đến nay. Cũng không thể cân đo đong đếm một cách chính xác những tổn thất và thiệt hạ nặng nề kho quy hoạch “treo” mang lại. Nhưng với những gì đang diễn ra mới đây nhất cho thấy, việc xóa bỏ quy hoạch treo là một chủ trương đúng, dù muộn còn hơn không.
Theo TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, quy trình điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch hiện còn rất chậm. Do vậy, TP.HCM cần triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn thì mới có kết quả rõ rệt. Vì nếu một số quy hoạch “treo” không thực hiện được sẽ gây tổn thất trong hướng phát triển chung của Thành phố.
Vẫn theo ông Võ Kim Cương, hiện tại những khu vực không thực hiện được thì Thành phố nên thu hồi dự án để kêu gọi đầu tư. Thu hồi này không phải thay đổi quy hoạch mà thay đổi chủ đầu tư. Một số dự án không kêu gọi được chủ đầu tư thì phải điều chỉnh mục tiêu quy hoạch.
Dĩ nhiên, những dự án vừa xóa bỏ quy hoạch “treo” mới đây chỉ là một phần rất nhỏ trong gần 570 dự án nêu trên. Nghĩa là, tới đây công việc này sẽ phải được làm một cách triệt để và thường xuyên, có như vậy “bệnh” quy hoach “treo” mới được cắt đứt và không “tái phát” trở lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Đồng hành
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: