Top

Tồn kho chủ yếu phân khúc đất nền

Cập nhật 20/12/2017 15:48

Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết tính đến cuối tháng 11/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 25.723 tỷ đồng.


Như vậy, so với lúc đỉnh điểm của tồn kho bất động sản vào quý 1/2013, giá trị tồn kho bất động sản hiện tại đã giảm 102.825 tỷ đồng - tương đương mức giảm 79,99%. So với thời điểm kết thúc năm 2016, giảm 5.300 tỷ đồng, hơn 17% và giảm 313 tỷ đồng so với tháng 10/2017.

Trong số này, tồn kho đất nền nhà ở dẫn đầu trong các phân khúc với gần 3,1 triệu m2 (tương đương 12.265 tỷ đồng). Tiếp đến là tồn kho nhà thấp tầng với 3.082 căn, khoảng 6.973 tỷ đồng. Căn hộ chung cư còn tồn kho 2.862 căn, ước khoảng 4.146 tỷ đồng và tồn kho đất nền thương mại 580.421m2, tương đương 2.339 tỷ đồng. So sánh tại hai thành phố lớn cho thấy giá trị tồn kho bất động sản của Hà Nội vẫn tiếp tục cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng số tồn kho trên địa bàn thành phố Hà Nội còn khoảng 5.313 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở Quý I/2013 đã giảm 11.747 tỷ đồng (giảm 68,86%); so với tháng 12/2016 giảm 277 tỷ đồng (giảm 4,96%); so với 20/10/2017 giảm 19 tỷ đồng.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 4.725 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013 đã giảm 24.017 tỷ đồng (giảm 83,56%); so với tháng 12/2016 giảm 1.076 tỷ đồng (giảm 18,55%); so với 20/10/2017 giảm 56 tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế nhận định cơ cấu tín dụng năm 2017 đã có sự chuyển dịch vào những lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn cần quan tâm kiểm soát dòng vốn vào những lĩnh vực chứa đựng rủi ro, trong đó có bất động sản. Tăng trưởng tín dụng bất động sản ước ở mức 5%.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm bất động sản vẫn là dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở; nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản cho vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công của khách hàng.

Tiếp đến lần lượt là dư nợ cho vay đối với các nhóm: xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở; xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê; xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê; cho vay dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng; cho vay mua quyền sử dụng đất; dự án khách sạn; xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài ra, còn có dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản khác cũng chiếm hàng trăm tỷ đồng. Lĩnh vực bất động sản tuy tập trung cho vay mua nhà với lãi suất cạnh tranh và hạn mức vốn cao nhưng các ngân hàng khá thận trọng với các khoản vay dành cho chủ đầu tư.


DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia