Top

Tổ chức không gian vùng Thủ đô: Liên kết để phát triển tối đa và bền vững

Cập nhật 14/03/2008 10:00

Xây dựng mô hình phát triển không gian Vùng hợp lí sẽ tạo tiền đề cho toàn Vùng có được lợi thế phát triển tốt nhất, theo hướng liên kết để phát triển tối đa và bền vững...

Vùng trong vùng... Theo nghiên cứu của Bộ Xây dựng, Vùng Thủ đô được phân thành 2 vùng chính, là “đô thị hạt nhân và phụ cận” và “phát triển đối trọng”. Trong đó, vùng đô thị hạt nhân và phụ cận, với Thủ đô Hà Nội quy mô đã được mở rộng, đóng vai trò chủ đạo, tập trung các trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, thương mại, tài chính, dịch vụ, công nghệ cao... Các loại hình kinh tế cũng được lựa chọn nhằm kiểm soát gia tăng dân số, đất đai và bảo đảm môi trường.

Khu vực phụ cận cho trung tâm sẽ nằm trong phạm vi bán kính 25-30km, có chức năng hỗ trợ phát triển, mở rộng đô thị trung tâm và là nơi giao thoa, lan tỏa sự phát triển giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Khu vực này giữ vai trò tạo ra các vành đai xanh cung cấp sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cho Thủ đô, đồng thời phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch văn hóa sinh thái...

Trong phạm vi bán kính 30-60km, vùng phát triển đối trọng được hình thành theo 3 khu vực lớn, với các trung tâm tỉnh lỵ là hạt nhân. Ba khu vực này gồm: phía Tây Thủ đô Hà Nội (Hà Tây và Hòa Bình) có địa hình bán sơn địa, cảnh quan thiên nhiên phong phú, có tiềm năng phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, đồng thời có thể bố trí các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

Phía Đông và Đông Nam (các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam), với các trục kinh tế nối Thủ đô và các cảng biển, sẽ phát triển mạnh về công nghiệp. Phía Bắc và Đông Bắc (Bắc sông Hồng và dọc hành lang đường 18) có tiềm năng quỹ đất gò, đồi để hình thành các khu công nghiệp và dịch vụ đô thị.

Đô thị theo tầng, bậc...

Thủ đô Hà Nội - trung tâm của vùng đô thị hạt nhân phát triển theo 3 hướng: hướng Nam sông Hồng sẽ được chỉnh trang và mở rộng đô thị về phía Tây -Tây Nam. Hướng Bắc sông Hồng, hình thành mới các trung tâm thương mại - đô thị gắn với đầu mối giao thông và tham gia vào hành lang kinh tế Côn Minh - Hạ Long. Hướng Đông sông Hồng và Nam sông Đuống phát triển dịch vụ nhà ở gắn với khu công nghiệp. Công nghiệp kỹ thuật cao được ưu tiên thu hút đầu tư.

Với định hướng phát triển không gian như trên, Vĩnh Yên, Hòa Bình sẽ là đô thị cấp phân vùng. Thành phố Hải Dương được nâng cấp thành đô thị cấp vùng. Bắc Ninh, Hưng Yên, Phủ Lý sẽ là trung tâm đô thị cấp tỉnh.

Ngoài ra, sẽ có hàng loạt đô thị mới chuyên ngành, chủ yếu gắn với các trung tâm công nghiệp, đào tạo được hình thành, như Hòa Lạc gắn với khu công nghệ cao; Phố Nối, Đồng Văn gắn với các khu công nghiệp; Sơn Tây, Sao Đỏ - Chí Linh, Tam Đảo, Lương Sơn, Quan Sơn... gắn với du lịch; An Khánh, Mê Linh, Văn Giang, Từ Sơn... gắn với dịch vụ thương mại, phát triển nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa sẽ dựa vào tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng và quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng hướng tới một vùng có cơ cấu công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ chiếm tới gần 95% và nông-lâm-ngư nghiệp sẽ chỉ còn chiếm trên 5%. Do đó, giai đoạn đến năm 2020 sẽ là giai đoạn đô thị hóa mạnh nhất, với dự báo đạt tỷ lệ 30-35% vào năm 2010 và 55-62% vào năm 2020.

Tạo ra không gian liên kết

Theo các chuyên gia, quy hoạch Vùng Thủ đô được nghiên cứu không gói gọn trong phạm vi 7 tỉnh, thành phố như đề xuất, mà có xu hướng liên kết với toàn Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và các khu vực liên quan đến không gian phát triển kinh tế-xã hội của Vùng trong tầm nhìn hướng tới năm 2050.

Vùng Hà Nội nằm trong Đồng bằng sông Hồng là trung tâm của nền văn minh lúa nước Bắc bộ. Do đó, những khu vực đất nông nghiệp có giá trị sản lượng cao, mang tính truyền thống nhằm bảo đảm chính sách an ninh lương thực được giữ lại.

Khu vực gò đồi, ven núi và đất nông nghiệp có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất được tận dụng để xây dựng các khu công nghiệp, kho tàng, phát triển đô thị cũng như các khu chức năng quan trọng của Thủ đô, một đất nước dự báo có hơn 100 triệu dân sau năm 2020.

Ngoài ra, sự liên kết cũng được thể hiện rõ trong tổ chức không gian như công nghiệp nặng của vùng chuyển dịch lên khu vực phía Bắc, Đông Bắc, sử dụng quỹ đất gò đồi phía Bắc đường 18 và một số khu vực ngoài vùng tại Thái Nguyên, Quảng Ninh (Đông Triều - Mạo Khê) và Bắc Giang.

Về giáo dục, 3 trung tâm đào tạo của vùng là Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định, trong đó Hà Nội là trung tâm và Hải Phòng-Nam Định là hai địa bàn hỗ trợ nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia. Vùng Bắc bộ và Vùng Đồng bằng sông Hồng, với dự kiến đến năm 2020 có 70 trường đại học.

Theo Bộ Xây dựng, Vùng Thủ đô Hà Nội phát triển theo hướng đô thị đa cực tập trung: liên kết không gian giữa TP Hà Nội và các tỉnh xung quanh, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các đô thị tỉnh lỵ đồng thời giảm sự tập trung quá tải vào Hà Nội.

Đặc biệt, xu hướng mở rộng không gian kinh tế Vùng Hà Nội được liên kết với Vùng kinh tế Nam Trung Quốc thông qua chiến lược phát triển một vành đai và hai hành lang kinh tế; hướng tới một vùng có tầm quan trọng quốc gia và có môi trường sống tốt cho cộng đồng.

Theo Hà Nội Mới