Top

Tình hình trái ngược ở hai thị trường lớn nhất nước

Cập nhật 13/10/2019 10:30

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa có những tổng kết, nhận định về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) quý 3/2019.

Thị trường TP.HCM vắng bóng dự án giá thấp. Ảnh minh hoạ: Q.HUY

Theo báo cáo của hội, quý 3/2019 tiếp tục cho thấy sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018. Tại Hà Nội, thị trường cho thấy sự sụt giảm cả về lượng cung và giao dịch so với quý 2 và cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Giao dịch thành công chủ yếu vẫn là khách hàng có nhu cầu sử dụng thực; đầu tư lướt sóng, lãi nhanh giảm mạnh; đầu tư để kinh doanh nhỏ lẻ kém hiệu quả hơn so với TP.HCM; giá bán căn hộ gần như không có biến động so với quý trước; giá nhà ở thấp tầng ổn định.

Ngược lại tại TP. HCM, lượng cung và giao dịch nhà ở tăng mạnh. Quý 3 chung cư tăng gần 3,5 lần so với quý 1; tỷ lệ hấp thụ nhà ở tại TP.HCM đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, xấp xỉ 95%; giao dịch chung cư quý 3 tăng xấp xỉ 3,9 lần so với quý 1.

Căn hộ chung cư trung cấp có tỷ lệ hấp thụ cao nhất với tỉ lệ hơn 97%, một phần do nguồn cung vẫn đang còn khan hiếm.

Ở phân khúc cao cấp có sự chênh lệch lớn về giá bán, các dự án tại khu trung tâm giá phổ biến ở mức 100 triệu đồng/m2 nhưng đột biến có dự án lên tới 200-300 triệu đồng/m2. Trong khi đó các dự án tại quận 7, quận 2 tầm giá khoảng 60-75triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, căn hộ giá thấp vẫn trong tình trạng khan kiếm nguồn hàng. Nguyên nhân được nhận định do giá nhà bị đẩy giá vượt mức 25tr/m2, trở thành phân khúc trung cấp nên TP trong quý 3 không còn căn hộ giá thấp.

Ghi nhận tại một số địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam… thị trường tiếp tục có dấu hiệu sụt giảm bởi các vấn đề về chính sách và vốn tín dụng, lãi suất ngân hàng. Nguồn cung hạn chế, giao dịch chủ yếu đến từ các dự án đã chào bán trước đó.

Một số thị trường mới như Hòa Bình, Yên Bái, Lâm Đồng… dành được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện các Dự án phát triển tại các khu vực này đều trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa có sản phẩm chào bán ra thị trường.

Đáng chú ý là trong quý 3 vắng bóng sản phẩm condotel. Tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang giao dịch vô cùng trầm lắng.

Dự đoán trong thời gian tới Hà Nội tiếp tục ổn định, lượng giao dịch có thể tăng nhưng sẽ không thể đạt mức như năm 2018. Đông Anh được đánh giá là khu vực mới nổi, tạo ra đô thị mới, dân cư mới.

Đối với TP.HCM thì với tình hình không có nhiều thay đổi từ cơ chế, chính sách, nguồn hàng mới từ các dự án sẽ tiếp tục khan hiếm và có chiều hướng giảm so với quý 3, đặc biệt là sẽ thiếu hẳn phân khúc nhà ở giá thấp.

Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục trầm lắng bởi chưa thấy có dấu hiệu cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh phát triển dự án trở lại.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO