Top

Tính bồi thường như đánh đố người dân

Cập nhật 04/08/2007 11:00

Trong hai ngày 2 và 3.8, Cty Thanh niên xung phong (chủ đầu tư dự án cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh), đã tiếp xúc với từng hộ dân (P.22 và P.19, Q.Bình Thạnh) có nhà bị lún nứt do ảnh hưởng bởi công trình cầu Văn Thánh 2, để bồi thường kinh phí sửa chữa nhà.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó GĐ Cty Thanh niên xung phong, dựa trên kết quả đánh giá hiện trạng các căn hộ của Cty kiểm định Sài Gòn thuộc Sở Xây dựng, tổng số tiền bồi thường cho 57 hộ dân sửa chữa nhà ước khoảng trên 2 tỉ đồng. Tùy từng mức độ hư hỏng khác nhau, số tiền bồi thường để người dân khắc phục sửa chữa nhà từ vài triệu đồng đến hơn 300 triệu đồng.

Tuy vậy, bà Lê Thị Phế Ngô (hộ 31C đường Phú Mỹ, P.22, Q.Bình Thạnh) không đồng ý với mức đền bù 9,5 triệu đồng, bức xúc cho biết: "Đã 5 năm không ai giải quyết cho dân. Nhà có nguy cơ sập, tôi bỏ ra hàng chục triệu đồng để khắc phục ở tạm, vậy mà bây giờ chỉ bồi thường 9,5 triệu đồng. Với số tiền này không đủ khắc phục hư hỏng hiện nay chứ đừng nói gì số tiền bỏ ra trước đây. Nếu Cty Thanh niên xung phong nói đủ thì Cty xuống sửa chữa cho dân".

Thiệt hại nặng hơn là căn hộ 31C1 Phú Mỹ của ông Nguyễn Trung Thịnh. Từ cuối năm 2002 và đầu năm 2003, do căn hộ lún nứt nghiêm trọng, UBND P.22, Q.Bình Thạnh đã có văn bản đề nghị Cty Thanh niên xung phong hỗ trợ di dời, bố trí tạm cư nơi khác, thế nhưng, ông Trung Thịnh vẫn không hề nhận được hướng giải quyết nào từ Cty. Đến năm 2003, căn hộ bị sập một phần, UBND P.22 xuống hiện trường ghi nhận và cho phép ông Thịnh sửa chữa lại đúng theo hiện trạng.

Ông Thịnh cho rằng, số tiền bỏ ra làm lại căn nhà khoảng 150 triệu đồng và hiện nay, nhà sửa chữa vẫn tiếp tục lún nứt. Dù vậy, Cty Thanh niên xung phong chỉ căn cứ vào kết quả hiện trạng căn nhà mới để tính toán bồi thường vỏn vẹn 3,7 triệu đồng.

Rất nhiều căn hộ rơi vào tình trạng tương tự, khi chủ hộ chất vấn Cty Thanh niên xung phong, thì được trả lời: "Các anh, chị lấy gì chứng minh nhà đã khắc phục trước đó và số tiền bỏ sửa chữa tốn bao nhiêu?".

Theo các hộ dân, với cách giải quyết này của Cty Thanh niên xung phong chẳng khác nào đánh đố người dân, vì dân lấy đâu ra chứng từ hoá đơn để làm cơ sở tính toán bồi thường. Hơn nữa, sự việc đã xảy ra cách đây 5 năm và lại không được Cty Thanh niên xung phong giải quyết, do đó để đảm bảo an toàn tính mạng, người dân buộc phải sửa chữa tạm, rõ ràng lỗi này sao lại đổ cho dân.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó GĐ Cty Thanh niên xung phong - cho biết, sau khi tiếp xúc với các hộ dân, Cty sẽ tập hợp các ý kiến trình cho Sở Xây dựng xem xét và Sở Xây dựng đề xuất UBND TP quyết định. Số tiền bồi thường cho các hộ dân bị lún nứt trước mắt sẽ do ngân sách thành phố tạm ứng, sau đó khi phân định rõ lỗi trách nhiệm của từng đơn vị nào (tư vấn thiết kế, thi công, tư vấn giám sát, chủ đầu tư), thì khi đó hoàn trả lại cho ngân sách thành phố.

Theo Trần Phan - Lao Động