Tại TPHCM, có những ngôi chợ không thể khai thác hiệu quả, nhưng sau nhiều năm loay hoay tìm giải pháp, chợ vẫn bị bỏ hoang, lãng phí vốn đầu tư, lãng phí mặt bằng.
Nhiều chợ ế ẩm
Năm 2004, quận 9 đồng loạt xây thêm nhiều chợ truyền thống, nâng tổng số chợ ở quận này lên 13 chợ, nằm trải đều ở các phường. Những tưởng có chợ khang trang sẽ dẹp được chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường, thế nhưng nhiều chợ hoạt động trầy trật, cầm chừng.
Quá ế ẩm, các tiểu thương bỏ chợ ra ngoài bám vỉa hè, chấp nhận cảnh nắng mưa, bụi bặm, mua bán chụp giật. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã cố gắng vận động tiểu thương vào chợ và kiên quyết chấn chỉnh tình trạng họp chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường, nhờ vậy các chợ Tăng Nhơn Phú B, Long Trường nay đã thành chợ sầm uất nhất nhì quận.
Trong khi đó, chợ Tân Phú (phường Tân Phú) nay đã chết hẳn. Chợ Tân Phú được xây dựng vào năm 2004 với diện tích 4.000m2, gồm 340 sạp, và ngay từ ngày đầu hình thành chợ đã không thu hút được người dân vào chợ mua bán.
Đến nay, khuôn viên chợ Tân Phú xuống cấp, công trình bị hoen gỉ, bị biến thành nơi tập trung rác và những phế liệu của một số hộ dân gần đó, chuột và gián hoành hành, rất mất vệ sinh. Gần đây chợ không còn người quản lý nên nhiều thiết bị bị mất trộm.
Buôn bán ngoài vỉa hè đường 154 cách chợ không xa, chị T.T.P. cho biết: “Tôi cũng có 2 sạp trong chợ Tân Phú nhưng đành chôn vốn, ra ngoài lề đường bán. Hồi chợ được xây dựng, tiểu thương chúng tôi mong mỏi từng ngày, mong chợ ổn định để vào đó buôn bán cho khỏi nắng mưa, không phải ôm hàng bỏ chạy mỗi khi có lực lượng đô thị đi kiểm tra. Vậy mà giờ đây đành bám lề đường để kiếm sống qua ngày và nhìn đống tài sản chết dần theo thời gian, xót lắm”.
Chợ Phú Hữu không còn tiểu thương kinh doanh trong nhà lồng |
Chợ Phú Hữu rộng 2.000m2 với 164 sạp, được xây dựng và đưa vào khai thác cùng thời điểm với chợ Tân Phú. Thời gian đầu cũng có một số tiểu thương vào chợ bán, nhưng do không nhiều hàng hóa và không đủ mặt hàng nên người dân ít ghé mua, hơn 1 năm sau các tiểu thương đành bỏ sạp, bỏ chợ đi tìm chỗ mưu sinh.
Vậy là suốt 13 năm, chợ Phú Hữu chỉ có vài tiểu thương xót của, mỗi ngày vẫn đem mẹt bún, vài mớ rau ra bán cầm chừng. Nhưng càng bán càng lỗ, vậy là họ lại kéo nhau ra ngồi vỉa hè và chợ chính thức ngưng hoạt động hoàn toàn vào cuối năm 2017.
Kêu gọi xã hội hóa
Phóng viên Báo SGGP đã liên hệ UBND quận 9 để tìm hiểu về phương án khắc phục tình trạng nhiều chợ bị bỏ hoang lãng phí tiền đầu tư và lãng phí mặt bằng.
Bà Võ Nguyễn Phương Trinh, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận 9, cho biết: Chợ Tân Phú trước đây là chợ Tân Nhơn, được hình thành từ năm 1978, nằm ở vị trí ngã ba quốc lộ 1 và đường Nam Cao trên địa bàn phường Tân Phú.
Đến năm 2003, để phục vụ dự án xây dựng vòng xoay Xuyên Á, chợ Tân Nhơn bị giải tỏa và được xây dựng mới với tên gọi chợ Tân Phú tại khu phố 3, phường Tân Phú (nằm trong dự án khu nhà ở cán bộ Công ty cổ phần Đường Biên Hòa).
Chợ được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn bồi thường và chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 5-2005. Tuy nhiên, chợ Tân Phú không hoạt động được do vị trí không thuận lợi, dân cư ở đó thưa thớt, giao thông bất tiện, chỉ có một con đường duy nhất để vào chợ nên việc đi lại, mua bán của người dân và tiểu thương khó khăn. Vì vậy chợ chỉ hoạt động được hơn 1 tháng rồi ngưng cho đến nay, cơ sở vật chất xuống cấp nặng.
Còn chợ Phú Hữu được xây dựng theo chủ trương của UBND TPHCM về việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các phường - xã nghèo. Khu đất được UBND TPHCM thu hồi và giao cho UBND quận 9 thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ Phú Hữu.
Do vị trí không thuận lợi, tọa lạc trong khu vực còn thưa dân, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân không cao, tiểu thương chủ yếu là các hộ xóa đói giảm nghèo nên hạn chế về vốn và kỹ năng kinh doanh. Sau khi xây dựng, chợ có quy mô 164 sạp, nhưng chỉ có 20 sạp được sử dụng.
Chợ Phú Hữu nằm tại mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, tiếp giáp vòng xoay đường Vành đai 2, nơi các phương tiện có tải trọng lớn lưu thông qua lại thường xuyên, nên việc ra vào chợ rất nguy hiểm.
Hiện nay, bên trong chợ không có tiểu thương kinh doanh, chỉ có một số tiểu thương buôn bán ngoài sân chợ. Sau nhiều năm hoạt động, cơ sở vật chất của chợ đã xuống cấp nghiêm trọng.
UBND quận 9 cho biết, ngân sách nhà nước không đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các chợ, mà kinh phí chủ yếu là từ nguồn vận động tiểu thương, nhà đầu tư.
Do đó việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ theo hình thức xã hội hóa là rất cần thiết. UBND quận 9 đã mời gọi đầu tư nâng cấp, sửa chữa và quản lý chợ theo hình thức xã hội hóa, hiện nay 2 chợ Tân Phú và Phú Hữu đã có doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Việc đầu tư xã hội hóa chợ sẽ được thực hiện theo hình thức đấu thầu theo quy định pháp luật. Hiện UBND quận 9 đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc đăng ký danh mục các chợ cần xã hội hóa và đề nghị hướng dẫn về quy trình xã hội hóa chợ; quận đang chờ sở hướng dẫn để triển khai thực hiện.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: