Top

Thêm dòng tín dụng cho ngành Xây dựng

Cập nhật 17/04/2014 10:30

Chiều 17/4, Tập đoàn Thiên Thanh và NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tổ chức “Hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng ngành Xây dựng” lần 2 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội). Nhân dịp này, Phó chủ tịch HĐQT VNCB - ông Phan Thành Mai đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cho ngành Xây dựng.


Ông Phan Thành Mai
* Vì sao VNCB lại chọn sản phẩm liên kết 4 nhà để tháo gỡ khó khăn cho ngành Xây dựng?

Không phải bây giờ sản phẩm liên kết 4 nhà mới được khởi động, mà cách đây hơn 2 năm, BIDV cùng với Tập đoàn Thiên Thanh đã phối hợp triển khai xây dựng 3 – 4 dự án và cũng đã khá thành công. Tuy nhiên, theo thời gian, có thể do còn nhiều chương trình tín dụng lớn khác nên mô hình này không được nhân rộng. Đến khi VNCB được thành lập với mục tiêu chính là hỗ trợ ngành Xây dựng thì ngân hàng (NH) đã đề xuất với Vụ Tín dụng (NHNN) về Đề án liên kết 4 nhà trong ngành Xây dựng.

Khác với mô hình trước chỉ phối hợp một NH, tại đề án này, tôi mạnh dạn đề xuất nhiều NH cùng tham gia và nâng tầm các đối tác liên kết. VNCB đề xuất triển khai chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cho ngành Xây dựng với mục tiêu hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà, nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường.

Sau đề xuất của VNCB, Vụ Tín dụng (NHNN) đã xin ý kiến Thống đốc NHNN và chuyển Đề án này đến 5 NHTM quốc doanh cùng tham gia rà soát lại các mẫu biểu, quy chế quy định… và quyết định giao cho BIDV làm đầu mối. Ngoài 5 NH lớn kể trên, còn có sự tham gia ký kết của SHB, LienVietPostBank và VNCB. Và điểm đặc biệt trong biên bản ký kết đó là cả 8 NH đều có quyền xây dựng chuỗi sản phẩm liên kết riêng của mình nhưng phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện, nguyên tắc thỏa thuận chung.


Vốn tín dụng liên kết 4 nhà sẽ tạo điều kiện quản lý dòng tiền sử dụng đúng mục đích, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nhà ở

* Vậy lợi ích cho các chủ thể tham gia chương trình này là gì, thưa ông?

Ở Việt Nam, các DN trong ngành Xây dựng thường có mối quan hệ với nhiều NH nên có thể một dự án nhưng nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị thi công… mỗi đơn vị vay một nơi và không thể kiểm soát hết quan hệ tín dụng của các hợp DN này. Nên trước đây, đã xảy ra trường hợp DN vay số vốn gấp 3 lần so với khả năng tài chính của họ. Đến khi phát sinh nợ xấu, DN không có khả năng chi trả hoặc có trường hợp một tài sản được thế chấp vay ở nhiều NH dẫn đến tranh chấp tài sản đảm bảo… Chưa kể cũng có không ít ông chủ đầu tư, nhất là đầu tư bất động sản sử dụng trái phép vốn góp của khách hàng từ dự án này sang dự án khác một cách dễ dàng, bởi không có cơ chế kiểm soát…

Nhưng với chương trình liên kết 4 nhà thì tất cả các bên tham gia: chủ đầu tư – nhà thầu – nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) – NH sẽ cùng ký kết trên một hợp đồng thì phải tuân thủ các quy định chung. Ví dụ, chủ đầu tư ký hợp đồng 100 tỷ đồng và được NH cho vay đối ứng. Nhưng NH không giải ngân trực tiếp toàn bộ số tiền trên cho chủ đầu tư mà theo các thành phần tham gia dự án. Nếu số tiền phải trả cho nhà cung ứng VLXD là 30 tỷ đồng thì NH chuyển cho đơn vị này. Tương tự, nếu đơn vị thi công cần phải thanh toán 30 tỷ đồng thì cũng được NH trả trực tiếp chứ không qua chủ đầu tư… Như vậy, chủ đầu tư không có cơ hội sử dụng tiền sai mục đích. Còn lợi ích chủ đầu tư được nhận là sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn nhà thầu, nhà cung ứng VLXD với giá cả hợp lý.

Như vậy, với chuỗi liên kết này, NH kiểm soát được dòng tiền đến đúng địa chỉ, khách hàng không lo tiền sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, việc VNCB đề xuất nhiều NH tham gia để có thêm chính sách hỗ trợ cho khách hàng, nhằm giảm thiểu rủi ro cho mình. Giả dụ một dự án quy mô vốn 1.000 tỷ đồng, nếu 3 NH tham gia thì rủi ro cũng phân tán, giảm bớt đi nhiều.


Phương thức liên kết 4 nhà sẽ giúp quản lý dòng vốn tín dụng trong xây dựng đúng mục đích

* Những người vay vốn được lợi gì từ chương trình này, thưa ông?

Tôi khẳng định đây là chương trình tín dụng thương mại có mức lãi suất cạnh tranh, chứ không phải nguồn tín dụng ưu đãi của NHNN hay Chính phủ. Về lãi suất chắc chắn không thể dưới 10%/năm.

Cũng bởi vậy, các NH đã bàn lại với nhau để đưa ra các chính sách khác tạo điều kiện tốt nhất cho DN vay đủ vốn từ NH. Ví dụ, một DN có quan hệ tín dụng với cả MB và VNCB. DN này đang vay VNCB 100 tỷ đồng, nhưng muốn vay thêm và được MB chấp nhận giải ngân 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, DN này đang mở tài khoản tại VNCB. Nếu theo như bình thường, số tiền, DN nhận được từ MB sẽ chỉ còn 100 tỷ đồng vì VNCB khấu trừ khoản nợ của khách hàng. Nhưng câu chuyện này thay đổi khi hai NH liên kết.

Theo đó, hai bên chấp nhận để DN được vay 200 tỷ đồng tại MB và khi nào có lợi nhuận thì họ phải trả cho VNCB trước. Hay nói cách khác, DN có thể được khoanh nợ cũ để tiếp tục vay mới. Một lợi thế khác cho thành viên tham gia chương trình là nhà sản xuất được vay vốn mà không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo, chỉ cần đối ứng bằng VLXD cung ứng cho công trình. Chẳng hạn, nếu nhà sản xuất cung ứng 10 tấn xi măng vào công trình thì số hàng này được coi là tài sản thế chấp.

* Ông có thể cho biết cụ thể nguồn vốn 50 nghìn tỷ đồng sẽ được các NH tham gia như thế nào?

Như nói ở trên, theo biên bản ký kết giữa các NH tham gia vào chuỗi liên kết 4 nhà thì mỗi NH có thể xây dựng chuỗi liên kết riêng của mình. Và VNCB đã xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà riêng với các đối tác NH gồm có MB, OceanBank, SCB, HDBank, NHTMCP Quốc dân, VPBank với số tiền của các NH cho chương trình là 50 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng VNCB dự kiến cung ứng khoảng 10 nghìn tỷ đồng tín dụng ngắn hạn cho chương trình này. Nhưng nếu chúng tôi quay vòng khéo trong năm 2014 thì số vốn của VNCB dành cho ngành Xây dựng có thể lên 15 – 17 nghìn tỷ đồng. Đấy chỉ là VNCB, còn với các NH khác cũng có thể có vòng quay vốn cao hơn 2 lần thì số tiền dành cho lĩnh vực bất động sản có thể cao hơn nữa.

Nhưng, theo tôi vấn đề quan trọng nhất là chúng ta kết nối được các “nhà” nhằm khơi thông đầu ra cho hàng hóa VLXD, hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho ngành Xây dựng nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Xin cảm ơn ông!

Chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cho ngành Xây dựng được thiết kế nhằm hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà, xây dựng sàn kinh doanh VLXD chuyên nghiệp nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các NH liên minh cấp vốn, khơi thông hàng hóa… Trong chuỗi liên kết, VNCB hướng đến là NH tổ chức người bán, kết nối cùng các NHTM khác cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị, DN trong ngành bất động sản, xây dựng, VLXD.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng